Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Đừng xem thường nhiễm khuẩn đường tiểu trẻ em


Nhiễm khuẩn đường tiểu (NKĐT) chiếm hàng đầu trong các bệnh về đường niệu và đứng thứ 3 sau các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp và tiêu hóa, là một trong các nhiễm trùng phổ biến ở trẻ em PGS-TS Trần Đình Long, Chủ tịch Hội Thận – Tiết niệu và Lọc máu trẻ em VN, cho biết bệnh NKĐT thường dễ bị bỏ qua (nhất là ở các nước mạng lưới y tế chưa phát triển), vì triệu chứng bệnh không điển hình, diễn biến tiềm tàng, trước mắt ít gây ra những biến chứng trầm trọng. Tuy nhiên, về lâu dài bệnh có thể để lại những hậu quả nặng nề như cao huyết áp, suy thận mạn, nhiễm độc thai nghén, thậm chí gây tử vong. 2/3 bệnh nhân bị bỏ sót chẩn đoán Qua nghiên cứu gần 200 bệnh nhân NKĐT điều trị tại Bệnh viện (BV) Nhi Trung ương, PGS-TS Long chỉ ra rằng khoảng 2/3 số bệnh nhân NKĐT là dưới 2 tuổi, gần 40% bệnh nhân đến BV với triệu chứng ngoài đường tiết niệu như hô hấp, tiêu hóa. Cá biệt, có tới 2/3 số bệnh nhân đã bị bỏ sót chẩn đoán ở tuyến dưới. Theo bác sĩ Lê Tố Như, Khoa Sơ sinh BV Nhi Trung ương, trẻ có cân nặng dưới 2,5 kg bị nhiễm khuẩn cao hơn nhóm có cân nặng trên 2,5 kg. Tỉ lệ nhiễm khuẩn ở trẻ đẻ non từ 4%- 25%. Triệu chứng hay gặp nhất là vàng da, suy hô hấp và nhiệt độ không ổn định. Một nghiên cứu khác của bác sĩ Đặng Văn Chức, Trường Đại học Y Hải Phòng, cho thấy trong số gần 150 trường hợp trẻ bị NKĐT điều trị nội trú tại BV Nhi Hải Phòng có hơn 50% trẻ là các em gái. Chỉ 50% bệnh nhân được điều trị khỏi Căn nguyên gây bệnh được PGS-TS Long khẳng định, tác nhân gây bệnh chính là vi khuẩn E.Coli (gần 40%), tiếp đó là Proteus (24%), Klebsiella (22%)... Bên cạnh đó, các nghiên cứu khác còn cho thấy phần lớn do trẻ bị dị dạng tiết niệu như trào ngược bàng quang niệu quản, tắc tiết niệu và các yếu tố chít hẹp hay ứ đọng nước tiểu đã tạo điều kiện để vi khuẩn phát triển gây viêm. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất, theo ông Long là tình trạng bệnh khó điều trị khỏi. Bác sĩ Sơn cho biết với thời gian điều trị từ 10 - 14 ngày, chỉ có hơn 50% trường hợp trẻ lành bệnh, trên 35% trẻ thuyên giảm, số còn lại thì... không giảm! Vệ sinh kém cũng được nhiều chuyên gia y tế chỉ ra như một nguyên nhân dẫn đến bệnh NKĐT ở các nước đang phát triển và dị dạng tiết niệu là yếu tố thuận lợi gây ra bệnh này. 4 cách phòng tránh 1. Cần cho trẻ uống nhiều nước, thường xuyên tắm và thay quần lót cho trẻ, đặc biệt là đối với các bé gái học bán trú. 2. Trẻ cần thường xuyên tẩy giun định kỳ 6 tháng/lần, ăn nhiều chất xơ để không bị táo bón. 3. Đối với những phụ nữ mang thai, trong 3 tháng cuối của thai kỳ qua siêu âm phát hiện được những dị tật về đường tiểu thì khi trẻ ra đời nên cho siêu âm bụng xác định lại. Nếu kết quả siêu âm có gì bất thường, nên đưa trẻ tới khám tại các bác sĩ thận nhi để có hướng xử trí phù hợp. 4. Nếu thấy trẻ có triệu chứng bất thường về đường tiểu như tiểu rắt, tiểu lắt nhắt, tiểu đau, màu sắc và mùi nước tiểu thay đổi (tiểu đỏ, tiểu đục, tiểu hôi), ở các bé trai tiểu bị đứt quãng hoặc trẻ than đau bụng mà không có rối loạn tiêu hóa thì nên đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được siêu âm bụng tổng quát và làm xét nghiệm phân tích nước tiểu. Đây là 2 phương pháp xác định bệnh đơn giản, rẻ tiền, dễ dàng thực hiện ở mọi đơn vị y tế giúp tầm soát, phát hiện sớm các bệnh lý đường tiết niệu và các bệnh lý thận. (Bác sĩ Huỳnh Thoại Loan, Trưởng Khoa Thận BV Nhi Đồng 1 TPHCM) NLĐ