Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Bài 5: Trò chơi ảnh hưởng tới sự phát triển nhân cách của trẻ


Ảnh hưởng của trò chơi tới sự phát triển nhân cách của trẻ thể hiện ở chỗ, thông qua trò chơi trẻ tìm hiểu hành vi và những mối quan hệ qua lại của người lớn mà đứa trẻ coi là mẫu mực đối với hành vi của nó.


Bé Na ba tuổi chơi bán hàng cùng bạn, bé Na bán hàng và Nick là người mua hàng, sau khi Nick ngồi “ăn bánh” ở cửa hàng của Na thì đứng dậy đi, bé Na liền gọi lại, ‘Nick, cậu phải trả tiền cho tớ chứ, vì cậu đã mua bánh của tớ.’
Nick, ‘Tớ không trả tiền.’
Na, ‘Chỉ có người xấu mới mua bánh mà không trả tiền. Cậu phải trả tiền cho tớ.’

Trong trò chơi, đứa trẻ cũng rèn luyện những kỹ xảo giao tiếp cơ bản, những phẩm chất cần thiết để tiếp xúc với các bạn cùng tuổi.
Trong khi gây hứng thú cho đứa trẻ và bắt trẻ phải phục tùng các quy tắc chứa đựng trong vai mà nó nhận cho mình, trò chơi sẽ góp phần phát triển các tình cảm và điều khiển hành vi bằng ý chí.

Để không trở thành người xấu, Nick đã quay lại trả tiền cho bé Na, để không vi phạm luật giao thông, Tin Tin đã cho xe dừng lại khi đèn đỏ (trong trò chơi giao thông)…

Trong hoạt động vui chơi, trẻ có sự phối hợp giữa nhiều vai chơi, quá trình phối hợp đó sẽ nảy sinh ra nhiều tình huống chơi, nhiều mối quan hệ trong trò chơi được thiết lập và qua đó trẻ phải có cách ứng xử đối với các bạn cùng chơi sao cho phù hợp. Có lúc trẻ cùng thỏa thuận với bạn để đạt được mục đích trong trò chơi, cũng có lúc trẻ phải nhường bạn để trò chơi được tiếp tục hoặc trẻ phải tỏ thái độ cương quyết khi bạn có hành vi ứng xử sai.

Bin làm tài xế chở các “viên gạch” đến công trường xây dựng, và An là người bốc dỡ gạch xuống công trình cho Tâm và Hùng xây nhà. Trong khi chơi, trẻ có sự phân công rõ ràng vai chơi và nhiệm vụ, mỗi trẻ khi đảm nhận vai chơi đều ý thức phải hoàn thành nhiệm vụ của vai chơi mà mình đang đảm nhận. Bin phải lấy xe tới chỗ những “viên gạch” và bỏ gạch lên xe, vận chuyển về công trình, An phải bốc dỡ những viên gạch từ trên xe xuống và nhiệm vụ của Tâm và Hùng là xây nên những ngôi nhà.

Việc ý thức về vai trò của mình cũng là một bước phát triển về nhân cách trẻ, và trong quá trình giao tiếp trong trò chơi, dần hình thành cho trẻ các chuẩn mực về giao tiếp trong xã hội về mối quan hệ giữa người lớn và trẻ nhỏ, về mối quan hệ ngang bằng.

Bé Na, ‘Bo ơi, vào ăn cơm đi con.’
Bo, ‘Ừ! Đợi một chút.’
Bé Na, ‘Cậu không được ừ, cậu phải “dạ” chứ, vì cậu đang là con của tớ mà, là con thì phải dạ khi ba mẹ gọi, ở nhà tớ cũng thế.’
Khi chơi, trẻ tự hoàn thiện mình trong các tình huống chơi, trẻ nhận ra thái độ không đúng của mình cũng như của bạn, để từ đó tự hoàn thiện mình cũng như góp ý cho bạn.

Như vậy, để phát triển nhân cách cho trẻ, chúng ta cần xây dựng các trò chơi mà trong vai chơi đòi hỏi trẻ phải có cách ứng xử thích hợp. Không chỉ ở trong trường mầm non, mà ngay trong gia đình, bố mẹ có thể giáo dục nhân cách cho trẻ bằng cách cùng trẻ tổ chức các hoạt động chơi và cùng vui chơi với trẻ. Qua chính các hoạt động chơi, vai chơi người lớn sẽ trở thành gương mẫu chuẩn mực về nhân cách mà trẻ sẵn sàng tiếp nhận một cách nhanh chóng và thoải mái hơn là những bài học đạo đức khô khan.

Sau mỗi trò chơi, người lớn cần phải có sự trao đổi với trẻ về bài học nhân cách, qua đó trẻ dần hình thành cho mình hệ thống chuẩn mực nhất định trong cuộc sống.

Trẻ mẫu giáo đang ở lứa tuổi ranh giới giữa học và chơi, trẻ bắt đầu học trong khi chơi. Nó đối xử với việc học tập như là với trò chơi phân vai độc đáo có những quy tắc nhất định. Tuy nhiên trong khi thực hiện những quy tắc của trò chơi này, đứa trẻ nắm được những hành động học tập sơ đẳng, hình thành nhân cách toàn diện lúc nào không biết.

Chính vì vậy, cùng vui chơi với trẻ qua đó giáo dục trẻ phát triển nhân cách là một trong những phương pháp giáo dục trẻ mang lại kết quả cao, không những vậy còn tạo mối liên hệ gần gũi giữa người lớn và trẻ nhỏ.

mamnon.com