Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Dạy học cá thể


DẠY HỌC CÁ THỂ

TS Huỳnh Công Minh
(Tài liệu phục vụ công tác bồi dưỡng hè cho Cán bộ Quản lý
và giáo viên thành phố Hồ Chí Minh chuẩn bị năm học mới 2008 – 2009)

I.- NHẬN THỨC VỀ DẠY HỌC CÁ THỂ :
Quan điểm sư phạm tiến bộ của thế giới ngày nay là “dạy học lấy học sinh làm trung tâm”. Yêu cầu người dạy phải quan tâm đặc biệt đến người học trên nhiều phương diện khác nhau trong quá trình dạy học, từ tâm sinh lý đến hoàn cảnh, sở trường sở đoản của học sinh. Từ đó người giáo viên mới có thể chọn lọc được những phương pháp dạy học phù hợp, động viên được học sinh hứng thú, ham thích tìm tòi học tập ở mức độ tốt nhất.

Ở Việt Nam, chủ trương đổi mới nhà trường, đổi mới phương pháp dạy học đã được đề ra theo quan điểm “dạy học lấy học sinh làm trung tâm”, nhưng sự đổi mới ấy chỉ là bước đầu và còn dừng ở biện pháp tư tưởng là chủ yếu chưa tổ chức đầy đủ và đồng bộ các điều kiện thực hiện. Hơn nữa, quan điểm “dạy học lấy học sinh làm trung tâm” chưa nêu bật được bản chất của phương pháp sư phạm hiện đại, không phải chỉ “lấy học sinh làm trung tâm” mà phải “dạy cá thể cho từng học sinh”.

Dạy học cá thể là dạy cho từng học sinh học. Dù trong lớp học có nhiều học sinh, nhưng người giáo viên luôn quan tâm đến từng học sinh một, có những biện pháp phù hợp tác động đến từng học sinh trong quá trình dạy học. Vì thế mà nhà trường hiện đại thường tổ chức ít học sinh trong lớp.

II.- CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN CỦA DẠY HỌC CÁ THỂ :
- Đời sống con người rất phong phú và đa dạng. Khi đề cập đến chiều sâu tâm hồn, đã có ý kiến cho rằng “mỗi con người là một thế giới riêng”. Mỗi học sinh chúng ta là một con người, dù còn nhỏ nhưng mỗi em đều có một cuộc sống tinh thần rất riêng. Trong lãnh vực giáo dục, nếu người giáo viên chia xẻ được những điểm riêng ấy, sẽ kích thích niềm hứng thú học tập vượt trội của từng học sinh.

- Lý luận sư phạm ngày nay rất coi trọng hoạt động tự giáo dục. Không thể xem nhẹ hoạt động dạy của giáo viên, nhưng kết quả học tập có được chính là do hoạt động học của học sinh – “yếu tố bên trong quyết định”. Người giáo viên đơn thuần chỉ dạy cho hết sách, cho hết ý tưởng của mình mà không chú ý đến điều kiện và khả năng tiếp thu, sự ham thích học tập của học sinh thì hoạt động dạy học ấy sẽ khó thành công.

- Thực tế dạy học ở nhà trường hiện nay cho thấy số học sinh lười, chán học khá đông; tỉ lệ học yếu kém của học sinh tương đối nhiều; tình trạng học khó nhớ, mau quên trong học sinh có tính phổ biến …

Để giải quyết vấn đề nầy, chúng ta cần phải phân tích nguyên nhân dưới góc độ của khoa học sư phạm. Lịch sử xã hội đã đổi mới, số người đi học là số đông không còn là số ít như ngày xưa nữa, khoa học kỹ thuật và các phương tiện thông tin phát triển như vũ bão, sự tinh tế của con người trong các mối quan hệ đã được nâng cao … trong khi phương pháp sư phạm của nhà trường thì quá bảo thủ, nặng nề : vẫn dạy chung cho số đông, không kích thích được yếu tố riêng của từng cá thể. Không ít giáo viên đã thường dạy học theo thói quen, ít quan tâm đến tâm lý, thái độ, mức độ ham thích của học sinh, thậm chí có giáo viên đã xử sự một cách thô thiển, phản sư phạm. Nếu giáo viên quan tâm chu đáo đến từng học sinh sẽ giải quyết được mọi vấn đề khó khăn của học sinh trong quá trình học tập. Cho nên có ý kiến cho rằng “dạy học cá thể sẽ chống lưu ban bỏ học hiệu quả” là vậy.

III.- ĐIỀU KIỆN DẠY HỌC CÁ THỂ :
Để giáo viên có thể thực hiện tốt “dạy học cá thể”, nhà trường cần có những điều kiện cơ bản như sau :

1. Đổi mới đào tạo sư phạm :
Đổi mới đào tạo sư phạm từ “dạy số đông”, áp đặt, nặng lý thuyết sang “dạy cá thể” gợi mở, hợp tác trong dạy và học, giảm lý thuyết, tăng thực hành.

2. Đổi mới nội dung chương trình :
Đổi mới từ nội dung chương trình đến cơ chế làm sách giáo khoa. Sách giáo khoa phải thực hiện theo hướng tích hợp, ít môn học nhưng phong phú, lý giải được những vấn đề sinh động của cuộc sống.

3. Đổi mới cơ sở vật chất và thiết bị dạy học :
Giảm sĩ số trong lớp, thiết bị học tập được trang bị đủ cho từng học sinh.

4. Đổi mới thi cử và công tác quản lý nhà trường :
Nâng cao vai trò của giáo viên trong đánh giá học sinh.
Giảm thiểu những kỳ thi chung nặng nề, định chuẩn cụ thể, tập huấn giáo viên đánh giá học sinh, có biện pháp giám sát khoa học.

5. Đổi mới hoạt động của người giáo viên :
Giáo viên phải đổi mới quan điểm sư phạm, quan niệm về quan hệ thầy trò, về trách nhiệm của giáo viên trong quá trình giáo dục.

- Quan điểm sư phạm là dân chủ, hướng về cá thể thay cho sự áp đặt với số đông.
- Quan hệ thầy trò là quan hệ hợp tác trao đổi lắng nghe, thay cho sự truyền thụ một chiều.
- Trách nhiệm của giáo viên là quyết định cho kết quả quá trình dạy học, giáo viên phải đánh giá được từng học sinh về sở trường, sở đoản để có biện pháp giáo dục phù hợp trong từng giờ dạy.

Trong 5 điều kiện vừa trình bày, đổi mới hoạt động giáo viên là quan trọng nhất vì đó là hoạt động trực tiếp quyết định kết quả của quá trình dạy học, đồng thời giáo viên có khả năng góp phần cải thiện các khiếm khuyết của các điều kiện khác.

IV.- YÊU CẦU HOẠT ĐỘNG CỦA GIÁO VIÊN TRONG NHÀ TRƯỜNG DẠY HỌC CÁ THỂ :
Yêu cầu dạy học cá thể của người giáo viên trong nhà trường được xác định như sau :

1. Am hiểu nội dung chương trình giáo dục kết hợp với mục tiêu đào tạo, nắm chắc yêu cầu trọng tâm bài giảng kết hợp với việc hệ thống toàn bộ chương trình (thường xuyên học tập, nghiên cứu, củng cố, không ngừng nâng cao kiến thức).

2. Nắm chắc tình hình học sinh về tâm lý, hoàn cảnh và khả năng tiếp thu, thực hành bài học của từng học sinh (thường xuyên gần gũi, quan sát tìm hiểu và lắng nghe học sinh).

3. Biên soạn, thiết kế giờ dạy, tổ chức học sinh học tập, rèn luyện và thực hành hiệu quả trong điều kiện của lớp học và thiết bị dạy học có được (thường xuyên thực hành, tích lũy kinh nghiệm và tư duy về đặc điểm của cá nhân học sinh).

V.- ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CỦA NHÀ TRƯỜNG DẠY HỌC CÁ THỂ TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH :
Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh đang chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ cơ bản như sau :

1. Qui hoạch và xây dựng mạng lưới trường lớp theo yêu cầu dạy học cá thể.
2. Xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý nhà trường theo yêu cầu dạy học cá thể. Đổi mới công tác tổ chức cán bộ.
3. Đổi mới nội dung chương trình và phương pháp dạy họctheo yêu cầu dạy học cá thể. Xây dựng hội đồng chuyên môn, thống nhất trọng tâm bài giảng.
4. Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, tăng nguồn đầu tư phát triển nhà trường, tích cực hợp tác quốc tế.
5. Đổi mới quản lý giáo dục. Đổi mới công tác thanh tra, khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, sử dụng hiệu quả công nghệ thông tin.

(Tháng 6/2008)
Theo Sở Giáo Dục