Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Bài 2: Trò chơi và sự phát triển ngôn ngữ của trẻ lứa tuổi nhà trẻ - mẫu giáo


Một hoạt động của trẻ khi trở thành một trò chơi thì hoạt động đó phải có các yếu tố sau: Chủ đề chơi, nội dung chơi, luật chơi, vai chơi, hành động chơi.

Khi trẻ tham gia trò chơi có nghĩa là trẻ sẽ: Phân vai trong trò chơi, mỗi trẻ đảm nhận một vai chơi nhất định; Cùng thỏa thuận các vai chơi và luật chơi; Đưa ra chủ đề chơi, nội dung chơi (cũng có thể người lớn hướng dẫn). Sau khi đã nghe hướng dẫn hoặc thỏa thuận xong, trẻ bắt đầu hành động chơi.

Như vậy, để tham gia trò chơi trẻ phải có quá trình thỏa thuận và phân vai: chọn vai nào, chơi như thế nào v.v… và quá trình thỏa thuận và phân công này không thể nào thiếu vai trò của ngôn ngữ.

Ngoài ra trong quá trình vui chơi sẽ nảy sinh các tình huống chơi, tình huống trò chơi đòi hỏi mỗi đứa trẻ tham gia trò chơi phải có một trình độ phát triển giao tiếp ngôn ngữ nhất định.

Không chỉ khi cùng tham gia hoạt động vui chơi cùng các bạn mà ngay cả khi bé chơi tưởng tượng với một đồ vật thì ngôn ngữ vẫn đóng vai trò quan trọng trong quá trình chơi của bé.

Bé Xu ôm búp bê và bảo: ‘Nào! em Xu của chị ăn ngoan nào, ăn ngoan rồi chị cho bé Xu đi chơi nhé!’

Nếu đứa trẻ không thể diễn đạt mạch lạc nguyện vọng của mình đối với tiến trình của trò chơi, nếu nó không hiểu được những lời chỉ dẫn của người lớn hoặc các bạn cùng chơi, nó sẽ trở thành gánh nặng đối với các bạn cùng tuổi.

Như vậy, để tham gia trò chơi, trẻ cần phải có một khả năng ngôn ngữ nhất định để hiểu và diễn đạt nguyện vọng của mình đối với các bạn cùng chơi, và ngược lại trong quá trình chơi sẽ nảy sinh các tình huống chơi, đòi hỏi trẻ phải có sự sáng tạo về ngôn ngữ giao tiếp.

Tại một góc chơi có chừng 10 trẻ đang chơi. Một bé gái ngồi trước một cái bàn nhỏ, xung quanh để những chiếc ghế thấp, trên bàn là một ấm nước, vài cái ly bằng nhựa, một xấp giấy vuông nhỏ màu vàng và một xấp giấy hình chữ nhật cũng nhỏ, màu trắng. Gần đó là một công trường đang xây dựng công viên.

Bé gái nói, ‘Tớ bán hàng, cửa hàng của tớ có bán cả nước và bánh.’
Một bé trai nói, ‘Chúng tớ đang xây dựng khu vui chơi cho trẻ em, khi nào khát nước chúng tớ sẽ qua mua nước của cậu.’

Một lát, một cậu bé bỏ những ‘viên gạch’ xuống và chạy qua cửa hàng, ‘Bán cho tôi 3 cái bánh và một ly nước.’
Cô bé bán hàng bỏ ba miếng giấy lên đĩa, làm động tác rót một ly nước và đưa ra cho cậu bé, ‘Mời ông ngồi xuống đây uống nước và ăn bánh. Bánh cửa hàng tôi ngon lắm.’

Cậu bé vừa ngồi xuống uống ly nước thì có tiếng gọi từ góc xây dựng, ‘Này, cậu kia, về làm việc đi chứ.’
Cậu bé đứng dậy, chạy về phía cậu bé kia thì cô bé bán hàng liền gọi lại, ‘Ông ơi! Ông chưa trả tiền mà, mua hàng thì phải trả tiền chứ.’
‘Ồ! xin lỗi, tôi quên mất….’

Sự cần thiết phải giải thích với các bạn cùng tuổi trong quá trình vui chơi kích thích sự phát triển của ngôn ngữ mạch lạc.
Trong quá trình chơi, trẻ luôn luôn phải vận dụng ngôn ngữ để giải thích, để đưa ra các yêu cầu hoặc đơn giản chỉ là trao đổi, đối thoại giữa các vai chơi, từ đó nhu cầu về mở rộng vốn từ, vốn ngôn ngữ mạch lạc và ngôn ngữ giao tiếp của trẻ ngày càng tăng.

Như vậy, trò chơi có tác động rất lớn đến sự phát triển ngôn ngữ của trẻ. Vì vậy, người lớn cần tạo điều kiện cho trẻ tham gia các trò chơi, tổ chức hoạt động vui chơi nhằm phát triển khả năng ngôn ngữ cho trẻ, không chỉ ở trường học mà việc tổ chức hoạt động vui chơi giữa ba mẹ, anh chị và trẻ cũng là một trong những yếu tố tích cực nhằm phát triển ngôn ngữ cho trẻ mầm non.

Trúc Giang mamnon.com