Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Tuổi nào nên giao tài sản cho con?


Cuộc sống dần khá lên, đồng nghĩa với việc những đứa trẻ “vô tình” trở thành những ông chủ, bà chủ sở hữu một số tài sản nhất định của từ ba mẹ “chuyển quyền” sang cho con cái. Vậy có nên giao tài sản cho con khi chưa tới tuổi vị thành niên? Và cha mẹ nên làm gì để giúp con biết cách quản lý tài sản đó...?

Có trẻ vào đời, chín chắn và suy nghĩ như người lớn từ rất sớm, nếu được cha mẹ giao cho cách bảo quản và có ý thức với tài sản của gia tộc, gia đình từ khi còn nhỏ. Có trẻ dù tuổi đã vào độ “chín”, nhưng suy nghĩ vẫn non nớt và thiếu chín chắn, nếu cha mẹ quá bảo bọc và thiếu sự quyết đoán trong cách giáo dục, nên việc giao tài sản, nhất là những tài sản lớn có giá trị cần phải xem xét lại.

Khi nào nên giao tài sản cho con?
Kết hôn sớm, nên khi vừa bước sang tuổi 38, chị Lê đã có con trai lớn được 18 tuổi. Làm ăn gặp thời cùng với sự hậu thuẫn về kinh tế mạnh mẽ từ bà con bên chồng ở Mỹ, chị đã nhanh chóng đưa cậu con trai lớn lên Sài Gòn học cấp ba ở một trường tư tương đối có tiếng. Hai năm đầu tiên, thằng bé ở cùng với dì ruột. Đầu năm học 12, thằng bé về phàn nàn với mẹ: “Nhà dì ồn ào quá, con không thể tập trung để thi đại học”, thế là kế hoạch mua một căn nhà trên thành phố được thực hiện nhanh chóng. Sau một thời gian tìm kiếm, anh chị đã mua được một căn ở quận Gò Vấp, với số tiền tương đối lớn so với giá cả lúc bấy giờ và ngay lập tức anh chị cho cậu con trai đứng tên ngôi nhà đó. Nhưng chẳng bao lâu sau, khi nhờ người em gái ở gần chạy sang ngó ngàng xem cậu con trai sống thế nào, anh chị ở dưới quê mới tá hỏa: Thằng bé đã nghe lời bạn bè, mang giấy tờ nhà đi cầm, lấy tiền về làm “kinh doanh”hàng đa cấp...

Có thể vấn đề tuổi tác cũng rất quan trọng trong việc được nhận và bảo quản tài sản từ cha mẹ, nhưng vấn đề quan trọng hơn là ý thức và công tác tư tưởng của cha mẹ ảnh hưởng tới con cái như thế nào. Nếu cha mẹ dạy con cái biết quý trọng tài sản từ khi còn nhỏ, và biết cách đặt niềm tin vào con cái đúng chỗ thì việc giao tài sản cho con mới hiệu quả. Bên cạnh đó, không phải khi giao xong là cha mẹ hết trách nhiệm và có suy nghĩ: “Đấy, tất cả là của con, con muốn làm gì thì làm”, mà cha mẹ phải đồng hành cùng con cái trong quá trình giữ gìn, bảo quản tài sản đó, để có những phương pháp cụ thể, tránh để trẻ sai đường lạc lối, như trường hợp đáng tiếc trên.

Làm thế nào khi đã giao tài sản cho con?
Cha mẹ làm giáo viên, kinh tế gia đình chỉ ở mức vừa vừa, nên khi lên học cấp 2, được cha mẹ mua cho chiếc xe đạp mini để đi học, nên Khánh rất yêu quý chiếc xe như một người bạn thân. Đi học về, em lau chùi xe và dắt vào góc nhà để cẩn thận. Khi xe bị hư, nếu không tự giải quyết được, em liền nhờ cha... ra tay. Hai cha con vừa “khám bệnh” cho xe, vừa trò chuyện, qua những câu chuyện và bài học của cha, em càng biết trân trọng hơn với tài sản mình đang có.

Với Lân cũng vậy, khi vừa bước sang tuổi 15, không may cha mất sớm, nên em đã phải đứng ra làm chủ trang trại rộng hơn 5 ha mà cha để lại cùng với mẹ. Sau cú sốc cha mất, mẹ Lân như biến thành người khác, công việc trong nhà không ai ngoài Lân phải cáng đáng. Đang tuổi ăn, tuổi chơi, nhưng vốn mê cây cối trồng trọt, nhất là từ khi còn bé, Lân vẫn thường làm vườn cùng bố, nên Lân dễ dàng tiếp quản trang trại của gia đình. Lân đi học một buổi, một buổi còn lại Lân theo dõi, giám sát những người làm công, ghi nhận lại những kế hoạch chi tiêu cho trang trại. May mắn thay, chú Lân ở gần đấy đã phần nào giúp Lân rất nhiều trong công việc quản lý và góp ý những kinh nghiệm quý báu. Mẹ Lân thấy Lân mạnh mẽ cũng phần nào nguôi ngoai nỗi đau mất chồng và cùng con gầy dựng trang trại ngày một tốt hơn...

Nếu trẻ trót làm mất tài sản, đầu tiên phải hỏi lý do, nguyên nhân tại sao, nếu trẻ vô ý làm mất, thì nên nói cho trẻ biết để lần sau ý thức và cảnh giác hơn. Nếu tài sản mất vì trẻ cần tiền mang đi bán, hay đi cầm vì cần một số tiền lớn, thì cần mở rộng “nguyên nhân” điều tra, cha mẹ nên biết trẻ cần số tiền lớn như vậy vào mục đích gì, và nên rút kinh nghiệm cho những lần “bàn giao tài sản tiếp theo”. Nếu trẻ có những biểu hiện chối cãi quanh co, thì cha mẹ cần sáng suốt tìm hiểu, không nên dễ dàng bỏ qua vì có thể trẻ sẽ vin vào cớ đó và tiếp tục tái phạm lần sau.

Khi đã giao tài sản cho con, không nên để cho con biết tài sản mình có được quá dễ dàng, như vậy đồng nghĩa với việc đánh mất nó cũng dễ dàng như khi có. Cách giáo dục cho con cái tính tiết kiệm, quý trọng tài sản mà cha mẹ làm ra cũng là cách dạy cho trẻ lòng tự trọng, ý thức được với tài sản mình đang sở hữu.

Nếu ngay bản thân cha mẹ cũng xem việc tạo ra tài sản đó quá dễ dàng, thì sớm muộn gì tư tưởng đó cũng ăn sâu vào đầu óc con trẻ. Đồng thời, khi cho con tài sản, cũng nên nói cho con cái biết cha mẹ đã vất vả như thế nào mới có được, để con cái biết quý trọng nâng niu, chứ không thể để chúng có suy nghĩ: “Sinh con ra, cho con tài sản như vậy là lẽ hiển nhiên”.

Cha mẹ như người bạn đường, người thầy định hướng cho con trong quá trình từng bước trưởng thành, học cách đối diện với cuộc sống, học cách chấp nhận thất bại từ những việc nhỏ nhất, nhưng không được bỏ cuộc và nản chí. Trong cách giáo dục cho con bảo vệ tài sản riêng, chúng sẽ học được cách bảo vệ tài sản chung của xã hội, và có lối sống, suy nghĩ về cộng đồng tích cực hơn.SSM

Cách giáo dục cho con cái tính tiết kiệm, quý trọng tài sản mà cha mẹ làm ra cũng là cách dạy cho trẻ lòng tự trọng, ý thức được với tài sản mình đang sở hữu. Không nhất thiết khi con lớn mới được cha mẹ giao cho trách nhiệm bảo vệ tài sản, mà những hành động đó nên được thực hành từ khi con còn nhỏ.

Khi trẻ 4-5 tuổi, nên hướng dẫn và dạy trẻ cách bảo quản đồ chơi của mình, khi chơi xong nhớ dọn dẹp và hạn chế đập phá đồ chơi.
Khi trẻ 6-8 tuổi: Dạy trẻ cách bảo quản quần áo và chăm sóc các con thú nhồi bông khi được người khác tặng.
Khi trẻ 9-10 tuổi: Giữ gìn, nâng niu những tài sản lớn hơn như xe đạp, sách vở quý mà cha mẹ mua cho.

Đồng thời giúp cha mẹ “cai quản” đồ đạc trong nhà khi cha mẹ vắng nhà. Dạy trẻ cách giữ gìn tài sản, nhưng không vì thế mà đồng nghĩa với việc trẻ chỉ giữ “khư khư” cho riêng mình, vì như vậy vô tình cha mẹ sẽ dạy cho trẻ tính ích kỷ. Có thể nói, cha mẹ đóng vai trò rất quan trọng trong việc cùng con hoàn thiện tính cách từ khi còn nhỏ .

Theo Sức Sống Mới