Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

TP HCM tầm soát bệnh giang mai trên tất cả thai phụ


Tất cả các thai phụ khi đến bất kỳ cơ sở y tế nào trên địa bàn thành phố để khám thai cũng được lấy máu xét nghiệm. Mục đích là để tầm soát và điều trị kịp thời nếu có bệnh giang mai. Nếu thai phụ bị mắc bệnh giang mai nhưng không được phát hiện và điều trị sớm sẽ gây ra những biến chứng rất nguy hiểm cho thai nhi. Nguy hiểm nhất là bị sảy thai hoặc thai nhi chết ngay trong bụng mẹ. Nếu được sinh ra thì trẻ sẽ bị những vấn đề về xương như: viêm sụn xương, viêm cốt mạc, răng bị biến dạng. Biến chứng về mắt: viêm kết mạc và viêm giác mạc. Da bị phát ban. Biến chứng các cơ quan nội tạng như gan, lá lách. Biến chứng thần kinh. Gây điếc. Gây ra các bệnh về khớp như trật khớp, gãy khớp. Bác sĩ Nguyễn Văn Thục, Phó giám đốc Bệnh viện da liễu TP HCM, cho biết, đối với những trường hợp thai phụ mắc bệnh giang mai thì có đến 25% thai nhi chết trong tử cung, 25% tử vong sau khi sinh. Và 50% còn lại bị giang mai bẩm sinh. Trong số đó có 50% mặc dù bị mắc bệnh nhưng không có triệu chứng. Tỷ lệ lây nhiễm bệnh giang mai từ mẹ sang thai nhi tuỳ theo giai đoạn. Giai đoạn 1 tỷ lệ lây nhiễm sang thai nhi có thể lên đến 100%. Ở giai đoạn 2, tỷ lệ lây nhiễm cũng lên đến 90%. Nếu người mẹ bị bệnh giang mai ở dạng tiềm ẩn thì tỷ lệ chỉ từ 10 đến 30%. TP HCM đã triển khai "Chương trình phòng chống giang mai bẩm sinh" từ năm 1976, và hoạt động liên tục cho đến nay. Hiện thành phố không còn bất kỳ trường hợp giang mai bẩm sinh nào được ghi nhận. "Để đạt được kết quả tốt nhất Sở Y tế thành phố đã đưa hoạt động tầm soát bệnh giang mai bẩm sinh làm tiêu chí đánh giá hoạt động bảo vệ bà mẹ và trẻ em ở các trung tâm y tế quận, huyện. Nhờ đó các cơ sở y tế trung tâm đã hỗ trợ rất nhiều cho hoạt động của chương trình", bác sĩ Nguyễn Văn Thục, chủ nhiệm Chương trình phòng chống giang mai bẩm sinh ở TP HCM, cho biết. Vnexpress