Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Trẻ và âm nhạc


Nhiều bậc phụ huynh tự hỏi có nên cho con học nhạc không, bắt đầu học ở độ tuổi nào là lý tưởng nhất và nên cho các cháu học nhạc cụ nào. Tổng hợp dưới đây giải đáp băn khoăn của bạn.

Lý do cho con chơi nhạc
- Chơi nhạc giúp phát triển hàng loạt các khả năng, đặc biệt tăng khả năng ghi nhớ và tập trung, cải thiện các phản xạ và củng cố hệ vận động tâm thần.
- Chơi nhạc trước đám đông giúp trẻ chiến thắng sự rụt rè và cới mở hơn với người khác.
- Trẻ tập dần một số thói quen như làm việc, nghiêm túc, cố gắng.... nhiều khái niệm khác giúp hình thành nhân cách.
- Rất nhiều nghiên cứu chứng minh rằng chơi nhạc thường xuyên giúp phát triển các khả năng trí tuệ, đặc biệt là trong toán học và lôgíc.
- Tạo tinh thần làm việc sáng tạo.
- Âm nhạc kích thích trẻ tiếp cận các kiến thức khác (lịch sử, văn hóa...) và nhiều cách diễn đạt khác.
- Tăng năng lực nhạy cảm.

Học nhạc ở tuổi nào?
Nhiều người cho rằng trẻ học nhạc càng sớm càng tốt nhưng trên thực tế, tuổi nào học nấy. Thử so sánh việc học nhạc với việc học nói, chúng ta không thể bắt 1 bé mới 3 tuổi học thuộc lòng một bài thơ dài. Âm nhạc cũng vậy.

Năm 1993, giáo sư tâm lí Frances Rauscher (trường Đại học Wisconsin, Oshkosh, Mỹ) đã có một nghiên cứu về hiệu ứng "Mozart" (mối quan hệ giữa nghe thụ động nhạc cổ điển, nhất là các tác phẩm của Mozart với việc tạo môi trường phát triển trí tuệ thuận lợi).

Sau đó, có khoảng 30 nghiên cứu khác về đề tài này. Nghiên cứu của giáo sư Glenn Schellenberg (Toronto, Canađa) đã tiến xa hơn khi cho rằng trẻ học nhạc sẽ thông minh hơn.

Tạp chí "Psychological Science" (tháng 7/2004) đã khẳng định lại rằng âm nhạc giúp phát triển chỉ số thông minh (IQ). Chính vì thế mà người ta gọi đó là hiệu ứng "Leopold" (Leopold là thầy giáo dạy nhạc đồng thời là cha của thiên tài Mozart).
Trước đây, âm nhạc hiện diện nhiều trong đời sống của trẻ nhỏ (các hoạt động âm nhạc như múa hát sinh hoạt hè) hay những bài hát ru ầu ơ của bà, mẹ.

Còn giờ đây, nếu đề nghị 10 trẻ lên 6 tuổi thể hiện một bài hát thì chỉ có 3 trẻ làm được điều đó.

Do vậy, thật vô ích nếu cho trẻ học nhạc quá sớm và độ tuổi lý tưởng bắt đầu học nhạc thay đổi tuỳ theo chức năng của nhạc cụ lựa chọn.

Nhìn chung, học nhạc có thể bắt đầu khi trẻ lên 6-7 tuổi, một số nhạc cụ có thể bắt đầu muộn hơn vì lý do thể chất và hơi ( sáo, kèn clarinet, saxophone).

Ai lựa chọn?
Tốt nhất là hãy để trẻ tự mình chọn nhạc cụ theo khả năng vì chính chúng là người học chơi (chứ không phải cha mẹ), tránh tâm lí chán ghét ngay từ ban đầu. Cha mẹ giúp trẻ cân nhăc để quyết định đó hợp độ tuổi cũng như các hạn chế về vật chất và tài chính.

Để giúp trẻ xác định đúng loại nhạc cụ yêu thích, cha mẹ có thể cho nghe các đĩa nhạc (nhằm khám phá các âm vang khác nhau) và tạo cơ hội cho trẻ thử trên nhiều loại nhạc cụ khác nhau.

Một gợi ý khác là nhờ các nhà chuyên môn tư vấn hoặc tham khảo ý kiến của trẻ khác đang chơi các nhạc cụ đó.

Lời khuyên cuối cùng, khi trẻ học chơi nhạc cụ, cha mẹ không nên giới hạn trẻ trong việc thể hiện lại những gì được học từ thầy giáo, mà cần quan tâm để các thao tác chơi thuần thục và cách thể hiện sáng tạo.

Chúng ta vẫn thường thấy, trẻ biết lý lẽ, bắt bẻ trước khi biết nói những câu từ lịch sự và điều đó cũng đúng trong việc học nhạc. Học nhạc phải từ từ, không nóng vội để tránh biến trẻ thành chú khỉ bắt chước thông thái.

Vài gợi ý:
Không một nhạc cụ nào dễ hơn nhạc cụ nào, và đừng quên rằng, mục tiêu học nhạc là vì chính sự phát triển của trẻ.
- Clarinet: 9 tuổi, nhưng cũng có thể bắt đầu khi trẻ được 6 tuổi rưỡi, khi những chiếc răng sữa chưa thay hết.
- Accordeon: từ 7 tuổi.
- Sáo ngang: 9 tuổi nhưng cũng có thể bắt đầu từ 7 tuổi nhưng với điều kiện hai răng cửa trên và dưới đã trưởng thành nếu không hơi thổi bị lệch.
- Ghita: khoảng 7-8 tuổi, khi cơ tay đủ để tạo lực nhất định lên các dây đàn.
- Piano: từ 7 tuổi.

( Theo giadinh )