Khiếm khuyết học tập bao gồm những khó khăn của một học sinh để đạt được những kỹ năng học tập cơ bản. Đây là một rối loạn thần kinh ảnh hưởng đến khả năng tiếp nhận, xử lý, lưu trữ và đáp ứng với thông tin.
Rối loạn này có liên quan đến các lĩnh vực nghe, nói, đọc, viết và làm toán. Tại Hoa Kỳ, có khoảng 3 triệu học sinh, chiếm khoảng 5% có khiếm khuyết học tập. Những dấu hiệu thường gặp của khiếm khuyết học tập - Bé đọc một chữ bằng nhiều cách khác trong cùng một tài liệu. - Bé miễn cưỡng tập đọc và viết. - Bé khó trả lời những câu hỏi mở như các câu hỏi: Tại sao? Thế nào? Ở đâu? Lúc nào? - Bé có trí nhớ kém. - Bé khó thích nghi với môi trường mới, như từ nhà đến nhà bé, hoặc đổi trường này sang trường khác. - Tốc độ học chậm. - Khó nắm bắt những khái niệm trừu tượng. - Kém hoặc quá tập trung vào những chi tiết. - Đọc hoặc viết sai. - Nhầm lẫn các mệnh lệnh. - Kém kỹ năng tổ chức: dễ làm mất bút chì, sách vở. Không dễ gì khám phá ra khiếm khuyết học tập vì mọi người đôi khi cũng có vài dấu hiệu trên. Nhưng nếu các dấu hiệu ấy tái đi tái lại và ảnh hưởng xấu đến cuộc sống hằng ngày thì cần được lưu ý. Cách phụ huynh và giáo viên giúp bé
- Giới thiệu dần dần các khái niệm trừu tượng. - Giúp bé tổ chức công việc bằng cách ghi danh sách những dụng cụ học tập để bé kiểm tra trước và sau khi đã dùng xong. - Cho bé thêm thời gian hoạt động thể lực thay vì tập trung ngồi học lâu giờ. - Cho bé thêm thời gian để hoàn tất bài tập được giao. - Tránh gây áp lực về thời gian và mức độ chính xác trong học tập( vì dụ :không bắt bé thức khuya để cố viết chữ cho đẹp). - Cho mệnh lệnh học tập ngắn gọn, dễ hiểu. Trong thực tế, phụ huynh rất khó phát hiện khiếm khuyết học tập và thường cho rằng bé lì, lười, cứng đầu, mê chơi hơn học. Phụ huynh nên tránh phê phán bé như thế, vì có thể làm cho bé thiếu tự tin và không muốn cố gắng vươn lên. Phụ huynh nên quan tâm đến những điểm tích cực của con và động viên, khen ngợi bé hơn là trách mắng và trừng phạt. BS. Phạm Ngọc Thanh (BV Nhi Đồng 1) Theo mevabe.net |