Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Bắt đầu dạy ngoại ngữ từ bậc tiểu học


Ngày 2-10, Bộ GD-ĐT cho biết, đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1400/QĐ-TTg.

Để khắc phục hiện tượng thiếu liên thông, cắt khúc giữa các lớp, cấp bậc trong chương trình ngoại ngữ hiện hành, đề án này sẽ xây dựng và ban hành khung trình độ năng lực ngoại ngữ thống nhất, chi tiết, gồm 6 bậc, tương thích với các bậc trình độ ngoại ngữ quốc tế thông dụng để làm căn cứ biên soạn chương trình, bảo đảm sự liên thông trong đào tạo ngoại ngữ giữa các cấp học.

Theo đó, việc dạy và học ngoại ngữ sẽ triển khai từ bậc tiểu học và khi tốt nghiệp tiểu học sẽ đạt trình độ bậc 1 theo Khung năng lực ngoại ngữ (KNLNN) do Hiệp hội các tổ chức khảo thí ngoại ngữ châu Âu ban hành; tốt nghiệp trung học đạt trình độ bậc 2; tốt nghiệp trung học phổ thông đạt trình độ bậc 3 theo KNLNN. Việc bố trí dạy môn ngoại ngữ 2 chỉ thực hiện từ lớp 6 đến lớp 12 với trình độ đạt tương đương bậc 2 theo KNLNN sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông. Tại một số trường trung học phổ thông sẽ xây dựng và triển khai các chương trình dạy và học bằng ngoại ngữ cho môn Toán và một số môn phù hợp.

Đối với giáo dục đại học, đào tạo ngoại ngữ cho 2 nhóm đối tượng chính: nhóm học chương trình ngoại ngữ 7 năm ở phổ thông và nhóm học chương trình ngoại ngữ 10 năm ở phổ thông. Sinh viên tốt nghiệp các cơ sở giáo dục đào tạo chuyên ngữ phải có kiến thức đạt trình độ bậc 4 (cao đẳng) và bậc 5 (đại học) và bắt buộc người học phải đồng thời được đào tạo 2 ngoại ngữ trong một khóa đào tạo. Đối với các cơ sở giáo dục đại học không chuyên ngữ, sinh viên tốt nghiệp phải tối thiểu đạt trình độ bậc 3 theo KNLNN.

Theo SGGP