Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Lục đục vì xót con


Đang ngồi ăn cơm, thấy con nhỏ bị nôn khi được mẹ cho ăn cháo, anh Bình xót quá nên cơn giận vợ bốc lên, hất đổ mâm thức ăn xuống sàn nhà.

Mấy hôm rồi, gia đình chị Thu căng thẳng, vợ chồng chẳng ai nói với ai chỉ vì bé Bim bị viêm họng, quấy khóc, không ăn uống được vì luôn nôn trớ. Bim mới hơn một tuổi, dù mẹ chăm sóc chu đáo nhưng vẫn rất hay ốm do đẻ thiếu tháng, nhẹ cân, sức đề kháng yếu.

Lần nào cũng vậy, cứ con ốm hay quấy khóc là anh Bình lại cáu kỉnh, mắng nhiếc vợ không biết nuôi con. Có lần chị cho con ăn cháo, bé Bim lên cơn ho rồi nôn trớ, anh Bình hất đổ cả mâm cơm. Chị ức quá, la lối, thế là vợ chồng cãi nhau.

Khi cũng tham gia vào công việc chăm con,
bạn sẽ hiểu vợ mình vất vả như thế nào và thông cảm cho cô ấy hơn

Đã mệt mỏi, xót ruột vì con ốm, chị Thu lại thêm stress vì lo đối phó với ông xã nóng nảy, chỉ biết đổ vấy tội lỗi sang vợ. “Những tháng ngày này tôi sống trong buồn tủi, phần thương con, phần giận chồng không chia sẻ, chỉ biết trách móc vợ mỗi khi con ốm. Anh vô lý đến mức cả khi con khỏe mạnh bình thường nhưng chán ăn, nôn ọe cũng mắng vợ không biết cho ăn.”, Thu tâm sự.

Chung hoàn cảnh với Thu, chị Hương than phiền rằng lần nào con ốm là lần ấy ông xã "ép vấy" trách nhiệm sang chị: "Anh không kiên nhẫn chăm sóc con, đỡ đần vợ, lại còn gây căng thẳng, bỏ ra phố chơi, khiến tôi rất buồn". Thậm chí, anh Hùng còn tuyên bố rằng nếu con bị sốt, ốm là do mẹ đoảng, không để ý, cho bé chơi cùng với trẻ hàng xóm đang sổ mũi nên bị lây.

Còn chị Ánh từng ôm con bỏ về nhà mẹ đẻ vì phản ứng của chồng khi thấy con quấy khóc. Cháu Nhi, con gái chị, chưa tròn ba tháng tuổi, từ lúc mới lọt lòng đã hay khóc thâu đêm suốt sáng, dỗ cách nào cũng không được. Vài tuần đầu, cả nhà thay phiên nhau bế cháu, mẹ chồng động viên: "Trẻ khóc dạ đề, ngoài ba tháng sẽ hết".

Nhưng tình trạng trên cứ kéo dài, hằng đêm phải nghe tiếng khóc của trẻ nên ai cũng mệt mỏi, nhất là Trung, chồng Ánh. Anh làm theo ca, hôm nào về đến nhà cũng ngoài 22h, đã mệt lại nghe tiếng khóc dai dẳng của con nên không thể chịu được. Chẳng biết trút tức bực vào đâu, anh quay sang "hành" vợ. Một hôm, Trung vừa thiu thiu ngủ ở nhà ngoài thì con lại ré lên ở phòng trong. Anh lao vào giằng lấy bình sữa trên tay vợ, ném vèo ra lan can khiến đứa trẻ giật mình, càng khóc to hơn. Chị giận quá, đợi qua đêm, ôm con bỏ về bên ngoại.

"Trước khi sinh, cuộc sống của vợ chồng tôi rất vui vẻ, nhưng mấy tháng sau khi có con, lẽ ra đây là lúc cần chia sẻ với nhau nhưng cả hai lại thường xuyên cáu gắt, không khí gia đình nặng nề. Sau mỗi lần quá nóng nảy, ông xã tỏ ra hối hận, nhưng tôi vẫn thấy tủi buồn vì cảnh chăm con một mình” - chị Ánh nói.

Thực ra khi cư xử quá với vợ vì xót con, nhiều ông chồng cũng đầy day dứt. Anh Thành, một người chồng trong cảnh ngộ này, cho biết anh hay phải đi công tác vài ba ngày. Cứ mỗi lần nhận điện của vợ, anh lại chột dạ vì sợ có tin cu Tí bị ốm. Con anh mới đi học mẫu giáo, chậm thích nghi nên lười ăn, ốm đau liên miên, mỗi đợt kéo dài cả tuần. Có lần thấy thằng bé cứ nằm thiêm thiếp, Thành xót không chịu được, quay sang mắng vợ là lười, không chịu lau sạch mồ hôi trộm của bé lúc ngủ, không cho con đi khám sớm, không mua đúng loại thuốc bác sĩ bệnh viện nhi kê. Chị "bật lại", thế là anh thẳng tay tát vợ.

"Quá giận chồng, đêm đó vợ tôi ôm con ra phòng khách. Thấy bà xã mắt thâm quầng, ngủ gà gật cùng con, tôi ân hận vô cùng vì sự vô lý của mình, lại nhẹ nhàng lấy khăn ấm đắp lên trán thằng bé, trông con cho vợ chợp mắt" - Thành kể.

Theo chuyên gia tâm lý xã hội học Trần Thu Hồng (Cục Bảo vệ trẻ em), những lúc con ốm đau, nhất là nếu công việc cơ quan hay gia đình gặp rắc rối, vợ chồng bị stress sẽ dễ sinh cáu bẳn, cãi vã. Gặp trường hợp này, chị em nên cố giữ bình tĩnh. Phụ nữ có khả năng chịu đựng tốt hơn nam giới, vì thế nên nén lại cơn giận dỗi để ông xã đỡ căng. Cần trao đổi với chồng về bệnh tình của con hoặc đơn giản là đọc cho chồng nghe tờ hướng dẫn sử dụng thuốc, hay lời khuyên của bác sĩ trong y bạ. Đó là cách chia sẻ nỗi lo với chồng, trấn an tinh thần ông xã rất tốt. Nếu con không chịu uống thuốc hoặc lỡ nôn trớ ra quần áo, bạn nên nhờ chồng giúp, hướng dẫn cụ thể cho anh ấy những việc cần làm.

Đôi khi gánh nặng tài chính cũng là nguyên nhân cơn nóng bất chợt của anh ấy, liên quan đến việc con ốm đau, nhất là phải nằm viện. Bạn hãy bình tĩnh đối diện với điều này, tìm cách thuyết phục hoặc chia sẻ với chồng, thay vì "cương lên" và bế tắc. Bạn cũng cần tạo mối quan hệ tốt với các chuyên gia chăm sóc sức khoẻ. Để ông xã gặp bác sĩ lúc cần thiết, chắc chắn anh ấy sẽ bớt căng thẳng vì bệnh tình của con hơn.

Cũng theo bà Hồng, bất hòa trong gia đình mỗi khi con ốm hầu hết thưởng xảy ra ở những cặp vợ chồng trẻ. Bởi vậy trước khi sinh con, bạn và ông xã cần chuẩn bị chu đáo về tâm lý, tài chính lẫn cách ứng phó các vấn đề phát sinh.

Về phía người chồng, không nên viện cớ xót con mà tự cho mình quyền quát mắng hay trách cứ vợ, vì chăm sóc con không phải là việc của riêng người phụ nữ, mà là trách nhiệm của cả hai. Khi con ốm, vợ bạn cũng xót không kém gì bạn, lại mệt mỏi hơn vì phải lo cho trẻ. Sẽ thật bất công nếu bạn không giúp đỡ gì mà lại đổ hết tội lỗi lên đầu cô ấy. Nếu vậy, vô hình trung bạn từ bỏ trách nhiệm làm cha của mình trong việc bảo vệ sức khỏe cho con.

Do đó, các ông chồng nên dần dần học cách chăm con, nhất là khi trẻ ốm. Khi cũng tham gia vào công việc, bạn sẽ hiểu vợ mình vất vả như thế nào và thông cảm cho cô ấy hơn, bớt dần sự cáu gắt, và kể cả khi nổi nóng, bạn cũng dễ được vợ thông cảm hơn.

Theo Tin Tức