Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Có thể thay sữa bò bằng sữa đậu nành


Sợ melamine, nhiều gia đình ngừng dùng sữa bò cho con nhỏ. Trong trường hợp này, sữa đậu nành là loại thực phẩm thay thế rất tốt.

Theo bác sĩ Nguyễn Hồng Minh, Phòng khám Nhi Cao (đường Phạm Văn Đồng, Hà Nội), trong khi đợi các cơ quan chức năng thông báo cụ thể tên các loại sữa độc hại và không độc hại, phụ huynh không nên quá hoang mang mà dừng việc cho trẻ dùng sữa hay sản phẩm từ sữa. Thay vào đó, nên chọn mua sản phẩm từ những hãng có uy tín.

Có thể thay thế sữa từ các thực phẩm như sữa đậu nành, hoa quả, phomai.

Nếu vẫn muốn tạm ngừng không cho trẻ uống sữa thì có khá nhiều thứ có thể thay thế như cháo, súp kết hợp nước hoa quả tươi và đặc biệt là sữa đậu nành - thực phẩm giàu dinh dưỡng và giúp phòng chống nhiều bệnh tật, nhất là cho người già, trẻ em, những người béo.

Theo bác sĩ Hồng Minh, sữa đậu nành có lượng protein cao gần bằng sữa bò, ít chất béo bão hòa nên rất tốt cho tim mạch. Tỷ lệ protid và lipid cũng vượt xa lượng dinh dưỡng có trong thịt, lại dễ hấp thu. Nhất là khi ăn kết hợp với các prorein từ ngũ cốc, cơ thể sẽ được cung cấp lượng dưỡng chất tương đương trứng, cá, thịt, hải sản... Đậu nành còn giàu vitamin A, E, K, sắt, kẽm và phốt-pho, rất tốt cho sức khỏe.

Trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên đã có thể dùng sữa đậu nành. Do thực phẩm này ít canxi hơn hơn sữa bò nên trẻ cần được bổ sung canxi từ những món khác như tôm, cua... Bạn cũng có thể sử dụng bột đậu nành trộn bột ngũ cốc, ca cao làm thức ăn bổ sung cho trẻ, nhớ thêm dầu ăn để bổ sung chất béo.

Cha mẹ nên lưu ý không cho trẻ ăn cùng sữa đậu nành với trứng gà vì sẽ gây khó tiêu, đầy bụng. Loại sữa này cần được đun sôi thật kỹ, nếu không chất tripxin không chín sẽ gây đau bụng, nôn mửa. Tuy nhiên không nên đun quá lâu trong nồi hay ủ trong phích giữ nhiệt.

Để sữa đậu nành đảm bảo dinh dưỡng và an toàn, bạn nên mua đậu tương về tự làm lấy, sữa sẽ thơm và đặc.

Cách làm sữa đậu nành
Bạn mua một cái máy làm sữa đậu nành, nếu không có máy thì cần chuẩn bị nồi để ngâm và đun đậu và một máy xay sinh tố. Chuẩn bị một miếng vải sợi bông trắng, khâu thành túi khoảng 30 đến 50 cm, dùng để lọc.

Chọn đậu tương loại đều hạt, sáng vỏ, không thâm, mốc. Lấy khoảng một bát ăn con đậu đãi sạch, cho vào ngâm một ngày hoặc một đêm trong nước. Dùng hai tay chà mạnh và đãi sạch vỏ. Nếu có máy chuyên làm sữa đậu nành thì cho vào máy, đổ nước theo quy định và chỉ chờ khoảng 10-15 phút sau là có sữa uống. Nếu không, bạn cho đậu vào máy sinh tố cùng ca nước, xay kỹ. Khi nào thấy đậu nhuyễn thì cho tất cả vào túi lọc. Bóp kỹ để lọc hết nước đậu. Có thể xay thêm lần nữa nếu thấy còn sữa ở bã đậu. Khi đun, nên pha thêm nước lọc (thường một bát con đậu làm được khoảng 1, 2 lít sữa đậu nành).

Sau đó, cho lượng nước đậu vừa lọc vào nồi, đặt lên bếp, đun sôi, vặn nhỏ lửa, để sôi khoảng 5 đến 7 phút là được. Cần mở vung để sữa không nồng. Uống ấm hoặc nguội, có thể pha thêm đường, nước mía nguyên chất, dầu ăn... tùy khẩu vị. Bạn có thể bảo quản bằng cách đổ vào chai, để trong tủ lạnh khoảng 2 ngày .

Chú ý, khi sữa sôi, thường có một lượng bọt nổi lên, nên vớt bỏ để nước đậu thơm, không cặn. Váng bọt này có thể tận dụng làm sữa massage mặt rất tốt.

Theo DaiViet.vn