Việc cho trẻ ăn thô có thể bắt đầu tập từ ngay lúc trẻ chuyển qua ăn dặm. Bạn cần chú ý đến sự phát triển qua mọi thời kỳ của trẻ để có những thay đổi chế độ ăn phù hợp.
Con đã lớn, 15 tháng, 22 tháng, thậm chí... 27 tháng mà vẫn ăn cháo, con không biết nhai chỉ toàn nuốt chửng, con ăn hơi thô một chút là oẹ... con hay ngậm, con ăn chậm, con chán ăn, con không biết tự ăn... Đó là những vấn đề rất phổ biến khiến bao bà mẹ đau đầu. Tai hại hơn, mỗi bữa ăn của trẻ trở thành một cực hình đối với trẻ và sự ngán ngẩm đối với mẹ. Có nhiều nguyên nhân có thể đưa đến tình trạng trên, nhưng một nguyên nhân rất phổ biến và có thể xem là mấu chốt cho việc ăn uống khó khăn của trẻ, đó là trẻ đã không được tập ăn thô đúng thời kỳ. Được tập ăn đúng thời kỳ, bé sẽ hứng thú với việc ăn uống
Hãy để bản năng lên tiếng Trong sự phát triển của trẻ, có những lúc gọi là "giai đoạn cửa sổ" hay "thời kỳ mụ dạy". Đó là lúc bản năng lên tiếng, và khi qua khỏi giai đoạn đó thì cha mẹ sẽ rất vất vả khi dạy trẻ một kỹ năng nào đó. Việc ăn thô và nhai nuốt cũng thế. Trong khoảng thời gian từ 8 tháng đến 1 tuổi, từ lúc trẻ bắt đầu mọc răng, trẻ thường có phản xạ nhai một cách tự nhiên. Nếu tập cho trẻ ăn thô, đồng thời tập cho trẻ nhai nuốt trong lúc này thì việc cho trẻ ăn về sau bạn sẽ rất nhàn. Việc cho trẻ ăn thô có thể bắt đầu tập từ ngay lúc trẻ chuyển qua ăn dặm. Đầu tiên, ở tháng thứ 5, bạn cho trẻ ăn bột nhuyễn như ở mức độ loãng, tỷ lệ 1:10, tức 1 gạo 10 nước (10g gạo nấu với 100ml nước). Lượng ăn cũng không cần nhiều, chỉ cho bé ăn từng thìa một mỗi bữa rồi tăng dần lên, đến khoảng 6 thìa mỗi bữa là được và mỗi ngày cũng chỉ ăn 1 bữa. Lúc này, bạn đừng quan tâm đến lượng vì nguồn dinh dưỡng chính của bé vẫn là sữa. Việc cho bé ăn dặm trong tháng này chỉ để bé làm quen với thìa và tập nuốt. Đến tháng thứ 6, bạn đã có thể nhích lượng bột cho bé lên khoảng 40ml mỗi bữa, tức khoảng 8 thìa. Ngoài ra bạn cho bé dùng thêm từ 2 đến 3 thìa rau, cũng vẫn dạng nhuyễn nhừ và loãng như bột. Thời gian này không kéo dài lâu, chỉ khoảng 2 tuần sau bạn đã có thể cho bé dùng cháo gạo vỡ cỡ nhỏ như hạt tấm, vẫn nấu tỷ lệ 1:10. Trong tuần đầu tiên của tháng thứ 6, có thể nghiền thêm một chút trước khi cho trẻ ăn, đến tuần sau thì bạn cần nấu nhừ, không nghiền nữa, trẻ sẽ vẫn nuốt tốt. Đây là giai đoạn rất quan trọng, bạn có thể nhìn thấy sự tiến bộ của trẻ trong việc ăn dặm qua từng ngày, từng tuần. Đến tuần thứ 3 của tháng thứ 6, trẻ đã có thể ăn cháo gạo vỡ lổn nhổn và kết thúc tháng thứ 6, thường thì trẻ ăn được cháo hạt to. Từ tháng thứ 7, bạn có thể cho trẻ ăn đặc hơn một chút với tỷ lệ 1:8, đồng thời cho trẻ ăn thêm thịt xay, rau băm và mài nhuyễn qua rây. Chú ý không sử dụng máy xay nhiều, vì rất khó điều chỉnh độ thô của thức ăn và bạn sẽ dễ khiến con mắc hội chứng "máy xay sinh tố" khi dùng toàn thức ăn xay, trong khi ở giai đoạn này, việc ăn thô của trẻ đang cần sự tiến triển qua từng tuần. Tháng thứ 8, hãy mạnh dạn cho trẻ ăn cháo tỷ lệ 1:7 và rau chỉ băm nhuyễn, nấu nhừ, tuyệt đối không xay nữa. Chỉ cần 2 tuần sau bạn đã có thể tăng độ đặc lên đến 1:6 hoặc 1:5, bạn sẽ thấy trẻ có phản xạ nhai rất rõ rệt, dù răng trẻ có thể chưa mọc đủ. Bạn đừng lo, trẻ vẫn có thể nhai bằng lợi, miễn bạn nấu đủ nhừ, sao cho trẻ nhai đến là thức ăn tan ra ngay. Nhưng phải có độ thô, sự lợn cợn mới kích thích trẻ nhai nuốt. Nếu vẫn dùng bột đến tháng thứ 8, trẻ sẽ nuốt mà không nhai vì thức ăn đã nhuyễn nhừ và đồng nhất. Đến tháng thứ 9, bạn và bé đang cùng kết thúc "khóa học ăn dặm" rồi đấy. Lúc này, bé đã có thể ăn được rất nhiều món đa dạng như nui sao, mì, phở, khoai, rau và trái cây dạng mềm... Bạn chỉ cần theo dõi phản ứng của con để điều chỉnh độ thô và độ nhừ của thức ăn sao cho phù hợp. Sau thời gian này, bé đã có thể ăn cơm nhão, cơm nát, và đến 1 tuổi hoặc 1 tuổi rưỡi là bé có khả năng nhai nuốt tốt, ăn cơm cùng với gia đình. Được tập ăn đúng thời kỳ, bé sẽ hứng thú với việc ăn uống, bởi mỗi bữa ăn đều là một buổi học tập thú vị, một khám phá mới về khả năng của bản thân bé về các mùi vị khác nhau, về thế giới ẩm thực mới lạ bên ngoài... Bạn cũng nên cho bé sớm được ăn cùng với gia đình. Những bữa cơm vui vẻ sẽ giúp bé phát triển rất tốt về trí tuệ và tình cảm, tạo sự gắn bó trong gia đình. Đừng để bé trượt qua thời điểm ăn thô, quên mất kỹ năng nhai nuốt. Bởi khi chỉ quen nuốt chửng, bé sẽ phụ thuộc vào món bột hay cháo mãi cho đến khi ngán ngược và rồi chuyển qua ngậm, ăn chậm, hay oẹ, hay nhả. Lúc này mới tập cho trẻ nhai và ăn cơm là quá muộn và việc ăn uống không còn là niềm vui của cả trẻ lẫn cha mẹ. Theo Tin Tức |