Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Nói chuyện với bé dưới 1 tuổi



Bạn có thể trò chuyện hàng ngày với bé, hướng dẫn bé gọi tên đồ vật, làm quen với đồ chơi... Tuy bé không thể hiểu hết ý nghĩa những câu nói từ bạn nhưng nhờ giao tiếp, bé sẽ gắn kết với bạn hơn. 

Ngoài ra, nhiều chuyên gia và các nghiên cứu của họ đã chỉ ra rằng, nếu bạn thường xuyên trò chuyện với bé ngay từ nhỏ, bé sẽ dễ dàng phát triển kỹ năng ngôn ngữ sau này (phát triển từ vựng và ngữ âm tốt).

Hướng dẫn bé cùng giao tiếp

- Giai đoạn 6 tháng tuổi, bạn có thể cùng trò chuyện với bé qua ngôn ngữ ký hiệu. Chẳng hạn, khi bé đói, bạn có thể lắc lắc bình sữa kèm những tiếng "măm măm".

Khi nói, bạn có thể kèm theo những ký hiệu khác để bé hứng thú. Ví dụ, khi muốn nhắc bé ngủ, bạn có thể dùng hành động nằm xuống, vờ nhắm mắt lại...

Ngược lại, bạn cũng có thể nhận biết các ngôn ngữ không lời của bé khi bé ốm, buồn ngủ hay đòi ra ngoài chơi...

- Lựa chọn lúc bé vui vẻ, thỏa mái, bạn bắt đầu dạy bé nhận biết tên gọi của những đồ vật xung quanh. Khoảng 9-10 tháng tuổi, bé rất thích tò mò, nghịch ngợm với mọi thứ. Giai đoạn này, bạn có thể dạy bé làm quen với những khái niệm như đồ chơi, sữa, bố, mẹ...

- Mua các loại đĩa nhạc và dạy bé lắc lư cùng điệu hát quen thuộc.

- Cho bé tham gia vào các trò chơi tập thể, đông người: Dù chưa nói được, chỉ biết "ê, a" nhưng những hoạt động như thế này giúp bé có kỹ năng hòa nhập với xã hội, lại vừa ham thích khi được nói chuyện với mọi người xung quanh.

- Cùng bé chơi trò đoán tên: Bạn chuẩn bị cho bé một giỏ đồ chơi hay chuẩn bị một số hoa quả. Bạn gọi tên từng đồ vật cho bé nhớ trước, sau đó, bỏ lại trong bình và yêu cầu bé tự tìm đồ vật đó.

Chắc chắn, dưới 1 tuổi, bé không thể nhớ và nhận biết được chính xác yêu cầu của bạn. Bạn nên kiên trì và tiếp tục lặp đi lặp lại trò chơi này với bé. Không chỉ giúp bé phát triển ngôn ngữ, hành động này còn giúp bé linh hoạt và tăng cường trí nhớ hiệu quả.

Theo: Mevabe.net