Khi nào nên cho bé đến bác sĩ tâm lý? Ở độ tuổi nào trẻ có thể xuất hiện những rối loạn cần lời khuyên của chuyên gia? Mẹ bé hãy cùng aFamily tìm hiểu nhé.
Bé khó ngủ Nếu em bé sơ sinh chỉ ngủ hai hoặc ba tiếng một đêm, còn lại nằm yên mắt vẫn mở, rất có thể bé bị mất ngủ dạng tĩnh. Nếu từ hai tuổi, bé luôn bị những cơn ác mộng đánh thức dậy, bé sợ phải đi ngủ hoặc khi ngủ luôn phải cầm tay mẹ, bạn cũng cần được tư vấn. 3 – 4 tuổi, có thể xuất hiện những biểu hiện khác, bé giật mình tỉnh dậy, la hét, không nhận ra những người xung quanh, rồi bé ngủ lại và sáng hôm sau tỉnh dậy không nhớ gì chuyện đêm trước. Bé không ăn Cho dù bé ăn rất ít, cho dù biểu đồ tăng trưởng của bé gần như một đường nằm ngang, cũng không phải quá lo lắng, đơn giản cơ thể bé không có nhu cầu nhiều về năng lượng. Nhưng nếu bé nhất định không chịu mở miệng, bé nhổ ra, bé nôn khi bị ép ăn, bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ nhi khoa. Trước tiên kiểm tra những nguyên nhân về bộ máy tiêu hóa, về họng, miệng trước khi chẩn đoán bé mắc những rối loạn về tâm lý. Với những em bé sơ sinh, việc chuyển từ bú mẹ sang bú bình, rồi bắt đầu tập ăn dặm cũng là nguyên nhân khá phổ biến. Bé nói khó khăn Trước 4 tuổi, đừng tìm đến chuyên gia tâm lý khi thấy bé sử dụng ngôn ngữ khó khăn (trừ khi có ý kiến của bác sĩ). Mỗi bé có một nhịp phát triển không hoàn toàn giống nhau. Một số bé có thể hoàn chỉnh một vài kỹ năng sớm hơn các bé khác. Nhưng nếu đã qua bốn năm tuổi, bé vẫn tiếp tục nói ngọng, vẫn sử dụng vốn từ vựng quá nghèo nàn, bạn cần lưu ý đến việc chỉnh âm và giúp bé phát triển ngôn ngữ nhiều hơn nữa. Bé nói ngọng còn có thể do nguyên nhân về răng, hàm, lưỡi của bé. Nếu việc tập luyện đó vẫn không hiệu quả, nhất là nếu bé không hào hứng với việc tập luyện, bạn mới nên nghĩ đến việc tư vấn bác sĩ tâm lý. Bé thường xuyên “làm bẩn” quần Đừng vội trầm trọng hóa vấn đề. Bác sĩ tiêu hóa rất có thể sẽ điều trị được bệnh này bằng một số thuốc tác động tới bài tiết. Nếu không hiệu quả, chuyên gia tâm lý có thể đưa ra cho bạn những nguyên nhân khá bất ngờ: bé được làm anh, bé phản đổi trường học, bé bị thay cô bảo mẫu . Bé dị ứng Một số vấn đề về tiêu hóa, bệnh da liễu, đau đầu thường xuyên, suyễn cũng có thể bắt nguồn từ tâm lý. Một phản ứng của cơ thể với sự thay đổi, sự khúc mắc về tâm lý. Bé không chịu ngồi yên Khoảng hai, ba tuổi, bé dường như không bao giờ ngồi yên, bé leo trèo chỗ này, co kéo chỗ kia, dừng trò chơi này để bắt đầu một trò nghịch ngợm khác. Nhưng nếu đã qua cái tuổi chạy loăng quăng ấy, bé vẫn rất khó tập trung, vẫn hoạt động liên tục và dường như không chủ đích, tốt hơn hết hãy hỏi tìm lời khuyên ở bác sĩ. Bé rất khác thường Ở trường bé có xu hướng tách biệt? Bé hung dữ? Bé tuột tay bạn trong cửa hàng và đi lạc? Nếu những sự việc này không phải là thường xuyên, chỉ bất chợt một lúc nào đó, bạn không cần phải lo ngại. Trái lại, nếu những điều đó diễn ra liên tục, nếu cô giáo ở lớp phản ánh đầy lo lắng rằng bé thường xuyên cắn bạn, bé không tham gia bất cứ trò chơi nào hoặc chơi rất ít và thường ngồi thụ động trong một góc hàng giờ liền, bạn cần phải hỏi ngay bác sĩ tâm lý. Những điều nên làm trước khi đưa bé tới bác sĩ tâm lý Bạn đừng quá lo lắng hay trầm trọng hóa những vấn đề của con mình. Hãy tham khảo ý kiến những bạn bè, người thân có kinh nghiệm chăm sóc trẻ. Không phải một rối loạn tâm lý nào cũng cần một “chuyên gia tâm lý” có bằng cấp giải quyết. Nhưng điều tiên quyết là người sẽ giúp đỡ bé và bạn phải được bé chấp nhận, bé có thể không hào hứng đón chào họ ngay lần đầu gặp gỡ, nhưng bé không thể có phản ứng chống đối. Hãy lắng nghe nhận xét và phác đồ điều trị ngay sau lần gặp gỡ đầu tiên đó. Nếu buổi đầu tiên bé đã có phản ứng tiêu cực, hoặc sau hai ba lần gặp không có biến chuyển, bạn rất nên thay đổi phương pháp. Theo aFamily |