Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Tạo dựng sự tự tin cho bé


Khi bé tự tin, bé có thể thoải mái tham gia các hoạt động mà không ngại ngùng trước đám đông. Bé cũng sẽ không quá đau buồn hay tỏ ra mặc cảm, nếu gặp thất bại.


Cách làm quen với những điều mới mẻ
Ví dụ, bé sợ nước, không dám chơi đùa trong bể bơi dành cho thiếu nhi. Bạn không nên dọa bé rằng: “Cẩn thận không con sẽ bị sặc nước đấy”. Làm như vậy, bé sẽ rất e ngại, lo lắng mà không dám vui chơi nữa.

Bạn có thể làm mẫu, cùng dắt tay bé bước xuống bể bơi để bé nhận ra rằng chỗ này không nguy hiểm như bé tưởng. Ngoài ra, bạn cũng có thể kiếm một quả bóng, một cái phao nhỏ và vui chơi cùng bé.

Khuyến khích, động viên thái độ lạc quan ở bé
Bạn có thể dạy bé suy nghĩ tích cực sau mỗi lần thất bại để bé tự tin vào khả năng của mình, nên nói: “Không sao đâu con”, “Làm lại đi nào”, “Từ từ thôi con”…

Không so sánh ưu, khuyết điểm của các bé với nhau
Mỗi bé đều sở hữu nhiều điểm mạnh, yếu khác nhau. Tốt nhất, bạn nên gợi ý để bé biết phát huy những mặt tốt, hạn chế những mặt xấu.

Mọi sự so sánh chỉ khiến các bé thêm mặc cảm và trở nên ghen tỵ, đố kỵ với nhau mà thôi.

Tạo sự hứng thú cho các hoạt động của bé
- Khen ngợi khi bé hoàn thành tốt một công việc nào đó.
- Nếu bé khám phá ra một điều mới mẻ và muốn tự mình thử nghiệm. Chẳng hạn như việc bé thích vẽ ra sàn nhà, lên tường… bạn hãy giải thích để bé hiểu vẽ ở những nơi đó là không phù hợp, chứ không nên chê bai bé vẽ xấu hay trách mắng bé chỉ giỏi nghịch ngợm lung tung.
- Nếu bạn có hai bé, bạn có thể dành thời gian để mỗi bé chọn cách vui chơi tùy theo sở thích riêng. Bé lớn thích trò may áo cho búp bê, trong khi bé nhỏ quan tâm tới việc ghép chữ. Bạn không nên ép buộc hay cấm đoán những thú vui chính đáng của các bé.

Hãy dành thời gian để bạn có thể luôn ở bên cạnh bé, lắng nghe và kịp thời hướng dẫn bé.

Theo Me&Be