Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Luyện thi để vào trường mẫu giáo !


Do cung không đáp ứng đủ cầu, nhiều trẻ em Ấn Độ phải luyện thi và trải qua kỳ thi tuyển để vào được trường mẫu giáo tư “chất lượng cao” mà bố mẹ mong muốn Cũng như phần lớn bậc cha mẹ thương yêu con khác ở Ấn Độ, Rocky Gupta muốn điều tốt nhất cho con mình: Tương lai trở thành một bác sĩ, luật sư hay giám đốc một doanh nghiệp Internet. Tuy nhiên, gần 3 năm trước, ông Gupta cảm thấy bị sốc khi biết rằng con mình, khi đó mới 3 tuổi, phải trải qua một kỳ thi để vào học trong một trường mẫu giáo gần nơi sinh sống ở thủ đô New Delhi. Ông Gupta thậm chí còn bị sốc hơn khi biết nhiều bậc phụ huynh khác gửi con mình đến những trường luyện thi khắc nghiệt. Tại đó, những đứa trẻ này buộc phải học thuộc những bài thơ và học cách đi đứng thích hợp, tất cả chỉ để chuẩn bị cho kỳ thi vào mẫu giáo. Khi Gupta thắc mắc điều này với trường Montfort, họ thậm chí không gửi cho ông đơn xin nhập học. Thế là ông nộp đơn kiện. Vào cuối tháng 2, Tòa án Tối cao Delhi bác bỏ một phán quyết trước đó của một quan tòa vốn có lợi cho trường. Ông Gupta nói: “Một đứa trẻ không đáng phải chịu những sức ép như thế. Đó là những thông tin vô bổ mà họ muốn nhồi nhét vào đầu bọn trẻ và điều này không có lợi cho chúng. Và nếu như bọn trẻ buộc phải biết hết mọi chuyện thế thì chúng tôi gửi con đến trường làm gì?” Ấn Độ không phải là quốc gia đầu tiên cảm nhận được những sức ép như thế trên con đường đi đến thịnh vượng. Tại Nhật Bản, một số học sinh trung học từng tự tử do đạt kết quả kém trong kỳ thi tốt nghiệp. Tuy nhiên, tại đất nước có tỉ lệ thất học là 52% như Ấn Độ, sức ép ngày càng tăng từ việc có được bằng cấp và công việc thu nhập cao ở nước ngoài đã tạo ra những sự tranh đua gay gắt ngay từ khi đứa trẻ chập chững đến trường. Tại Ấn Độ, những đứa trẻ nào không sớm vào học trong trường mẫu giáo tư thường khó có thể vào các trường công “có chất lượng cao” sau này. Những trường học này dạy học bằng tiếng Anh và có các kỳ thi tuyển sinh riêng. Trong khi đó, các trường công sử dụng ngôn ngữ bản xứ lại không nhận được nhiều tiền tài trợ và rất ít học sinh tại các trường này học tiếp lên cao hay tìm kiếm được việc làm. Không những thế, những học sinh tốt nghiệp trung học phải trải qua một loạt kỳ thi để vào học các trường đại học danh tiếng của Ấn Độ, như Viện Công nghệ Ấn Độ mà theo thống kê còn khó vào hơn cả Harvard hay Đại học Yale của Mỹ. Trong khi ít người chỉ trích việc các trường mẫu giáo tư phải sàng lọc hàng ngàn lá đơn xin nhập học do trường chỉ đủ chỗ cho hàng trăm đứa trẻ, thì ngày càng có nhiều người Ấn Độ phàn nàn rằng cách thức tuyển chọn trẻ vào các trường mẫu giáo tỏ ra thiên vị, tốn kém và tàn bạo. Dipankar Gupta, một nhà nhân loại học ở Đại học Jawaharlal Nehru ở New Delhi, chỉ trích: “Bọn trẻ đang bị kiệt sức. Đây là hệ thống giáo dục nhẫn tâm nhất chưa từng có”. Dipankar nói tiếp: “Tôi từng chứng kiến cảnh một người cha la mắng đứa con mới 3 tuổi sau một kỳ thi chỉ vì nó quên mất một câu trả lời”. Trong khi đó, Ashok Agarwal, luật sư nộp đơn kiện cho Gupta và 2 gia đình khác, nhận định hệ thống trên không hề có sự minh bạch nào, nên rất dễ dẫn đến tình trạng tham nhũng và hối lộ. Vì thế, theo Agarwal, tổ chức rút thăm là cách duy nhất để giải quyết tình trạng không đủ chỗ học trong các trường mẫu giáo “chất lượng cao”. Phương Võ (Theo The Christian Science Monitor)