Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Các con tôi đánh nhau – Tôi phải làm gì?



Bill Cosby đã có lần nói “Bạn không thực sự là một người làm cha làm mẹ cho đến khi bạn sinh con thứ 2.” Các bậc cha mẹ có một con sẽ chưa thực sự hiểu điều này. Các bậc cha mẹ có hai con và nhiều hơn sẽ thông cảm với lời nói này ngay lập tức. Họ đang ám chỉ đến tình trạng cãi lộn và đánh nhau thường xuyên giữa các anh em trai và chị em gái. 

Tuy nhiên, khi có nhiều con, trẻ sẽ có cơ hội học hỏi nhiều thứ. Chúng sẽ học cách chia sẻ, cách trở thành một người bạn, cách yêu thương và ăn ở hoà thuận với người khác, và cách hợp tác với anh chị em. Có nhiều khía cạnh tích cực trong cuộc sống gia đình hơn là chỉ có một con, mặc dù cha mẹ có thể nói “Đó không phải là gia đình của tôi!”. 

Tình trạng đánh cãi nhau giữa anh chị em ruột là một trong những nỗi thất vọng chính của cha mẹ. Họ cảm thấy rằng mọi cách của họ đều vô ích. Phản ứng điển hình của cha mẹ đối với tình trạng con cái trong nhà đánh cãi nhau là: Gào lên “Dừng lại ngay, các con đang làm cho bố mẹ phát điên lên đây này!”, ủng hộ một bên, doạ nạt, kết tội, gạt bỏ cảm xúc tiêu cực và giải quyết vấn đề hộ bọn trẻ. Tất cả những phản ứng đó chỉ như đổ thêm dầu vào lửa.

Thay vì phản ứng với tình trạng đánh cãi nhau, cha mẹ cần phải lựa chọn để trở thành người tiên phong. Họ có thể đứng ngoài cuộc mà không cần phán xét. Con họ cần có khả năng tự dàn xếp sự việc. Cha mẹ có thể dạy con các kỹ năng đàm phán sau khi mọi người bình tĩnh. Dạy cho con trẻ cách nói “Anh sẽ chơi đồ chơi này còn em chơi đồ chơi kia.” Điều này sẽ giúp trẻ học các kỹ năng suy nghĩ Thắng - Thắng, những kỹ năng này rất cần thiết và hữu ích trong tương lai.

Mặt khác, cha mẹ có thể tin rằng bọn trẻ có thể chơi chung với nhau. “Cha mẹ thấy 2 con có một con búp bê, và mẹ biết 2 con có thể cùng chơi chung với nhau để cả hai đứa cùng vui”. Hãy tin vào điều đó và bước ra khỏi phòng. Bạn sẽ ngạc nhiên đấy.

Hoặc cha mẹ có thể ngồi xuống cạnh bọn trẻ, âu yếm đưa tay ra. Bọn trẻ sẽ đưa đồ chơi cho bạn. Carol DeVeny, chủ một trung tâm chăm sóc trẻ ở địa phương, đã nghi ngờ phương pháp này. Tuy nhiên, cô ấy kể rằng hai đứa trẻ ở tuổi tập đi (từ 1 đến 2 tuổi) ngừng đánh nhau, đưa cho cô ấy đồ chơi và nói “Cô ơi, chúng ta cùng chia sẻ nào”. Carol nói rằng cô đã khóc khi nhìn thấy điều này.

Và cuối cùng, cha mẹ cần nhớ khẳng định và thừa nhận cảm xúc. Tất cả các cảm xúc đều tốt, nhưng không phải mọi hành động đều được. Cha mẹ có thể nói “Con cảm thấy giận em con bởi vì em phá hỏng chiếc xe tải của con. Con có thể nói với em điều đó nhưng con không được đánh em.” Bạn hãy nhớ rằng bé phải hết các cảm xúc tiêu cực thì bạn mới có thể giúp bé có các cảm xúc tích cực.

Khi cha mẹ thù địch với những cuộc cãi lộn của con cái, chúng sẽ vô tình ganh đua nhau. Các thế hệ trong tương lai cần các kỹ năng đàm phán và hợp tác trong kinh doanh và trong các mối quan hệ cá nhân. Cha mẹ có thể bắt đầu dạy con các kỹ năng quan trọng này ngay từ bây giờ.

Theo nau ngon.com