Những tật xấu của bé - cách chữa trị Sự xuất hiện của con trẻ mang lại hạnh phúc vô bờ bến cho cha mẹ nhưng đôi khi ta cũng bực mình vì những tật xấu của chúng. Nhiều bậc cha mẹ thờ ơ với việc giáo dục con ngay từ những tháng ngày đầu tiên, để rồi đến khi những thói hư tật xấu ăn sâu vào nhân cách của con cái lúc đó mới cuống quýt dạy dỗ thì đã quá muộn. Hãy nhớ rằng trẻ em không sinh ra với tính ích kỷ, lười biếng, hỗn láo... tất cả những tật xấu cũng như tính tốt của bé đều bắt nguồn từ chính sự giáo dục của cha mẹ.
Mè nheo, vòi vĩnh Hãy nói "không" một cách dứt khoát với sự vòi vĩnh mua sắm của trẻ, bạn đừng cảm thấy hối hận đã làm cho con buồn. Sự vòi vĩnh của trẻ con là điều khó từ chối nhất. Nhưng, nếu cha mẹ quá nuông chiều hoặc thỏa hiệp với những đòi hỏi đôi khi quá quắt sẽ khiến bé sớm cảm thấy tự mãn, dần dần ngày càng vòi vĩnh nhiều hơn. Con bạn sẽ dựa vào thái độ của cha mẹ mà tha hồ làm nũng hoặc nằm vạ nếu không được vừa ý. Phải làm gì khi các bé vòi vĩnh đòi quà, đòi mua nhiều thứ? Cha mẹ không nên nhân nhượng với thói hay mè nheo này, bạn phải tỏ thái độ thật nghiêm khắc: “Mẹ không muốn con vòi vĩnh nữa!”, sau đó bỏ đi chỗ khác và phớt lờ. Bạn chỉ quay lại khi bé im lặng hẳn và nhỏ nhẹ giải thích cho con bạn về mặt xấu của những tiếng mè nheo hay la hét. Nói nhái Cần nghiêm khắc với tật xấu này ngay từ lúc đầu. Đôi khi người lớn còn cười khi nghe con trẻ nói nhái. Khi đó, bé không thể nào phân biệt được cái nào đúng cái nào sai, cái nào mình nên theo và cái nào cần sửa đổi. Khi con bắt đầu có tật nói nhái, hãy khuyên bé với một thái độ cứng rắn, chỉ cho trẻ biết rõ cái sai trong việc nói nhái và đưa ra hình phạt như úp mặt vào tường hay không cho đi chơi vào ngày cuối tuần... nếu bé còn tái phạm. Mẹ giả vờ bỏ mặc, không nói chuyện. Hãy để con bạn ở lại một mình trong phòng và không nói gì nữa. Nó sẽ cảm thấy bị cô lập vì tật xấu của mình. Sau đó bạn sẽ khuyên răn: “Nếu con còn nói nhái như thế thì xấu lắm, sẽ không có ai chơi với con cả”. Tự bản thân con bạn sẽ nhìn ra cái sai của mình và từ bỏ nó. Nói tục Khoảng 3 - 4 tuổi, bé thường buột miệng nói những câu tục tĩu. Thực ra, bé không hiểu rõ ý nghĩa của những lời nói đó mà chỉ muốn bắt chước người lớn. Cha mẹ đừng bỏ qua hay làm lơ khi nghe con nói tục, càng không được lấy làm thích chí. Bạn không nên nghĩ rằng con còn nhỏ, chưa biết gì, lớn lên nó sẽ biết xấu hổ mà tự bỏ thói xấu. Nếu bạn im lặng bỏ qua, bé sẽ hiểu rằng bạn đồng tình với những câu nói đó và bé sẽ tiếp tục nói nhiều hơn. Cũng không nên la mắng, đánh đập. Hình phạt lớn nhất là không cho phép trẻ được tự do thực hiện những điều mình thích. Mưa dầm thấm lâu, cùng với sự kiên trì của người lớn, bé sẽ hiểu ra và không nói bậy nữa. Nhưng, bản thân cha mẹ cũng phải làm gương không nói tục kẻo con bắt chước. Khi con bạn bắt đầu có những biểu hiện nói tục phải răn đe ngay, tránh thói xấu tiêm nhiễm. Chớ nên phản ứng quá gay gắt với con trẻ, bé sẽ nảy sinh tâm lý “sợ mà không phục”. Bé sẽ chỉ bỏ tật xấu này khi có mặt bạn còn sau lưng, đâu lại hoàn đấy. Hãy nhẹ nhàng khuyên răn và dạy cho trẻ ý thức được hành vi đó là sai. Hấp tấp Nhanh nhẩu đoảng hay hấp tấp cũng là một tật xấu của trẻ con. Nên dạy cho trẻ thói quen suy nghĩ kỹ trước khi làm mọi việc. Lấy một vài ví dụ về hiệu quả của việc suy nghĩ trước khi làm, đặc biệt là trong những trường hợp căng thẳng hay nguy hiểm để giáo dục con cái. Hãy khuyên con nên đặt những câu hỏi như: Điều này là đúng hay sai? Mình sẽ gặp chuyện gì nếu làm như thế? Nếu con bạn đã từng làm những chuyện dại dột, hãy dùng những lỗi lầm đó làm bài học khuyên răn để con có lựa chọn tốt hơn cho những lần sau. Bạn nên dạy con biết học tập từ những sai sót, vấp ngã của chính mình. Biếng ăn Trẻ nhỏ thường mải chơi không chịu ăn uống hoặc ngậm thức ăn trong miệng, có khi một bữa ăn mà kéo dài đến 3 - 4 tiếng khiến bạn rất bực mình. Gặp phải trường hợp khó chịu này, trước hết bạn không nên cố dỗ dành, ép trẻ ăn, như thế sẽ tập dần cho chúng thói ưa làm nũng. Đừng chiều theo thói quen kéo dài bữa ăn của chúng. Mỗi bữa bạn nên bớt ít khẩu phần và ngồi bên cạnh, bắt bé phải tập trung ăn trong vòng 20 - 30 phút. Nếu hết thời gian đó mà con bạn chưa ăn xong thì ngưng ngay bữa ăn. Đặc biệt trước bữa ăn khoảng 30 phút, không nên cho con ăn vặt. Làm như vậy một thời gian, bé sẽ bỏ dần thói biếng ăn. Bé lì lợm, không vâng lời Khuyến khích con nói lý do tại sao không vâng lời? Tuy nhiên, bạn đừng quá áp đặt, nếu không bé sẽ sinh ra tâm lý phản kháng và sợ hãi không dám đến gần cha mẹ. Cần khéo léo tạo một bầu không khí thân thiện, khuyến khích bé nói rõ lý do tại sao không vâng lời. Đừng bắt buộc con làm mọi việc theo ý bạn, hãy để con tự do chọn lựa trong khuôn khổ của cha mẹ. Việc cuối cùng và nghiêm khắc nhất là đưa ra một hình phạt nếu bé còn tiếp tục không vâng lời. Trẻ con thỉnh thoảng vẫn có thể buồn rầu, buồn vì bị phạt, không được chơi một trò chơi yêu thích chẳng hạn. Nhưng, chúng có thể nhanh chóng quên nỗi buồn và lại trở nên vui vẻ chỉ sau một khoảng thời gian ngắn ngủi. Nhưng khi con bạn bị căng thẳng về tình cảm, trạng thái trầm uất thường kéo dài và khó tự mình lấy lại cân bằng. Điều này kéo theo một loạt các hậu quả khác như: sức khoẻ suy giảm, bé trở nên bướng bỉnh, hay gây sự hoặc thu mình trong vỏ ốc, xa lánh mọi người xung quanh. Lúc này, cha mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân tâm lý giúp con vượt qua sự căng thẳng hơn là coi con mình hư hỏng mà buông xuôi. ( Theo suckhoe doisong ) |