Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Trẻ đổi tính, đổi nết


Mẹ có thêm em bé - Ảnh: N.C.T.
Bé gái M.A. 3 tuổi, cách đây một tháng mẹ sinh thêm em bé. Từ đó, M.A. trở nên bướng bỉnh, mẹ nói không nghe, suốt ngày chọc phá để em bé khóc. Tối ngủ M.A. đòi nằm cạnh em nhưng lại nằm chèn lên tay hoặc chân em để em thức giấc khóc cả đêm, mẹ mắng thì M.A. lại khóc to hơn em.

Còn bé S. 6 tuổi, vừa vào lớp 1, vốn là đứa con ngoan học giỏi, tính tình ôn hòa, nhưng khi mẹ sinh em bé được ba tuần thì S. nói lắp. Gia đình đưa S. đi khám tâm lý mới biết là từ khi có em bé cha mẹ ít quan tâm đến S.. Có lần S. muốn bế em nhưng mẹ không cho và nói học bài xong rồi đi ngủ trước. Lúc đó S. thấy nghẹn ngào như bị hắt hủi và nói “Con, con, con biết rồi”, sau lần đó cứ trả bài trên lớp là S. nói lắp.

Trong suy nghĩ của nhiều gia đình việc sinh thêm một em bé không tác động gì đến đứa con đầu. Tuy nhiên thực tế họ gặp không ít khó khăn trong việc làm sao cho đứa lớn bớt ganh tị và chọc phá em. Trẻ dễ bị tác động bởi những thay đổi lớn trong gia đình và việc có thêm một em bé nữa là một thay đổi lớn mà trẻ gặp phải. Cho dù cha mẹ vẫn thương yêu trẻ nhưng trong lòng trẻ vẫn thường trực nỗi lo bị chia sẻ và bị bỏ rơi vì em bé đã chiếm mất chỗ. Chính vì thế trẻ tìm cách lấy lại vị trí của mình với những biểu hiện ngang ngạnh, giành tình cảm với em, phá đám nhiều hơn.

Sự quan tâm của ba mẹ dành cho đứa con lớn cũng ít đi vì phải chăm em bé. Việc chăm sóc cùng một lúc hai đứa trẻ sẽ vô cùng mệt mỏi, càng ngày bạn càng cảm thấy dường như mình dễ gắt gỏng, không còn kiên nhẫn như trước kia vì giờ giấc sinh hoạt bị xáo trộn, cộng thêm nhiều nỗi lo khác. Toàn bộ điều này cũng góp phần tác động đến trẻ. Chính những thay đổi tính tình của trẻ nói cho chúng ta biết trẻ đang bất an và lo lắng về việc phải chia sẻ tình cảm và sợ bị bỏ rơi. Nếu không có những tác động kịp thời từ phía cha mẹ thì những lo lắng này sẽ khởi đầu cho những bất an trong tâm lý trẻ, dẫn đến những rối nhiễu tâm lý.

Vì vậy, cha mẹ giúp trẻ không lo lắng theo những bước như sau:
- Chuẩn bị tâm lý cho con ngay từ những ngày đầu tiên. Thời điểm nói tốt nhất là từ khi cơ thể người mẹ dần thay đổi. Lúc này trẻ sẽ rất ngạc nhiên và tò mò, chúng ta nói cho trẻ biết gia đình sắp có thay đổi nhỏ, mẹ sẽ sinh tặng trẻ một em bé.
- Chuẩn bị sẵn những câu trả lời và diễn đạt phù hợp vì chúng ta đang nói cho một đứa trẻ hiểu chứ không phải nói với một người lớn.
- Giúp trẻ cảm nhận em bé đang lớn dần lên trong bụng mẹ bằng cách cho trẻ trò chuyện với em để trẻ cảm thấy mình gắn bó với em hơn.
- Tập cho trẻ làm quen trước với em bé bằng cách cho trẻ đến chơi nhà những người thân của bạn vừa sinh em bé.
- Nhớ dành thời gian quan tâm đến trẻ để trẻ không cảm thấy bị bỏ rơi và cô đơn.

NGUYỄN THỊ NGỌC ANH (BV Tâm thần T.Ư 2)
Theo Tuổi Trẻ