Nếp nhà Hà Nội: Việc nhỏ mà không nhỏ Đang ngồi chơi ở nhà người bạn, chợt có tiếng chuông điện thoại, cô bé mới 4 tuổi con bạn tôi nhanh nhẹn chạy lại nghe máy. "A lô, cháu nghe đây ạ!". Không biết bên đầu dây bên kia nói gì, thấy cô bé lại nói: "Dạ, nhưng nhà cháu không có ai tên như vậy đâu, bác ạ", một lúc lại thấy cô bé nói: "Vâng ạ, thế bác nhầm máy rồi. Cháu chào bác ạ".
Cô bé chạy ra khoe với mẹ: "Mẹ ơi, có một bác gọi nhầm vào điện thoại nhà mình đấy ạ". Mẹ cô bé xoa đầu khen: "Con ngoan lắm, lần sau có ai gọi điện, con cũng phải lễ phép thế nhé". Tôi ngạc nhiên hỏi bạn: "Con gái cậu hay quá, mới bé thế mà nói câu nào ra câu ấy, có đầu có đuôi. Chắc cậu phải dạy bảo ghê lắm". Cô bạn cười: "Cũng không hẳn như thế đâu. Nó hơi chậm biết nói, lúc mới bập bẹ, nói được câu nào là mừng câu ấy, mình cũng không để ý xem câu nói của cháu thế nào, lúc đó kể cả cháu nói những câu rất buồn cười, phải nói là láo nữa, cả nhà đều cười vui. Rồi mỗi khi có người gọi điện đến, cháu hăng hái tranh nghe. Và một lần có điện thoại, cháu chạy lại nghe rồi quát lên "nhầm rồi", đặt phịch ống nghe xuống, cháu vừa đi ra, vừa lẩm bẩm: "Đã bảo không có ai tên như thế mà còn cứ léo nhéo". Mình tự nhiên giật mình. Hôm đó, mình phải bảo với ông bà và bố cháu là có lẽ phải uốn nắn lại lời ăn tiếng nói của cháu, cứ để nó tự nhiên tiếp thu và vận dụng tất cả những câu nghe được hàng ngày và trở thành thói quen thì không hay. Từ đó, cháu nói câu nào sai đều được người lớn phân tích, uốn nắn lại. Còn bản thân mọi người trong nhà cũng chú ý hơn đến lời nói của mình. Kể cả những việc nhỏ như nghe điện thoại, có người gọi nhầm nhiều lần dù bực mình cũng phải nói lịch sự, nhẹ nhàng để cháu học theo. Cũng chỉ thế thôi, tự nhiên cháu cũng thay đổi. Bây giờ dù nói rất ngoan rồi, nhưng mình vẫn phải khuyến khích cháu. Lúc nào nó sơ ý nói câu hỗn, mình phải nghiêm lúc, không cười được". Theo KTDT |