Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Thị trường sữa Việt Nam 'điếc không sợ súng'


Thêm 69 nhãn sữa Trung Quốc bị phát hiện có chất Melamine vậy mà những người kinh doanh vấn nhập sữa không rõ nguồn gốc về đóng gói nylon bán ra thị trường, sữa này sẽ mang về để làm trà sữa, kem, caramen...

1/7 nhãn sữa Trung Quốc 'có độc'

Cuộc tổng kiểm tra mới đây của các quan chức Trung Quốc đối với tất cả các công ty sữa bột trẻ em ở nước này (491 nhãn sữa bột trẻ em của 109 công ty) đã phát hiện thêm 69 nhãn hàng, thuộc 22 công ty cũng có chứa melamine - chất gây sỏi thận. Hàm lượng thấp hơn của Sanlu (chất này nằm trong phạm vi từ 0,09 đến 619 mg/kg).

Giới chức Trung Quốc đã niêm phong toàn bộ các sản phẩm sữa bột có chất độc trong các công ty nói trên, loại chúng ra khỏi các cửa hàng và yêu cầu thu hồi toàn bộ số đã bán ra.

Dân kinh doanh Việt Nam chẳng ngại
"Cho đến chiều 18/09, Thanh tra Bộ Y tế vẫn tiếp tục kiểm tra các cửa hàng và nhà máy sản xuất sữa, lấy mẫu sữa bột và sữa tươi để xét nghiệm tìm chất Melamine. Các loại sữa trôi nổi, không rõ nguồn gốc cũng sẽ được thu giữ ngay nếu phát hiện" - ông Trần Quang Trung, Chánh thanh tra Bộ Y tế cho biết.
Các loại sữa không rõ nguồn gốc mà lén lút bán sẽ bị các cơ quan quản lý thị trường xử lý.
Hà Nội: Theo khảo sát nhanh của phóng viên: chiều 18/09, tại phố Hàng Buồm và chợ Đồng Xuân (Hà Nội), vẫn có bán các loại sữa bột theo dạng cân, không rõ nguồn gốc. Những người bán hàng đều tỏ ra rất cảnh giác và thường giấu kín mặt hàng này trong nhà, chỉ khi có khách tìm mua mới cho xem. Khách mua thường là những chủ cơ sở trà sữa, kem, caramen... ở Hà Nội và các tỉnh, mua với số lượng lớn.

TPHCM: 19 bao sữa bột mỗi bao 25 kg không có nhãn phụ, không ghi nước sản xuất, thành phần và hàm lượng, vừa bị Đội quản lý thị trường 10B, TP HCM, tạm giữ tại một cơ sở kinh doanh trên đường 3/2, quận 10, sáng 18/9.

Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, đội trưởng đội quản lý thị trường 10B, 19 bao sữa này là loại sữa gầy (đã tách béo), có nhãn hiệu rõ ràng, có ghi ngày sản xuất và hạn sử dụng, nhưng lại không ghi nước sản xuất và thành phần các chất. Đặc biệt, chủ cơ sở không đưa ra được bất cứ một hóa đơn, chứng từ nào để chứng minh nguồn gốc.

Sữa vi phạm tại kho chứa của Đội Quản lý thị trường 10B.

Chủ cơ sở vi phạm cho biết, nguyên liệu sữa đều do chính cơ sở mua về và tự đóng gói tại một nơi khác ở quận Thủ Đức rồi đem bán. Ngoài sữa, cơ sở này còn bị tịch thu 16 can sôcôla lỏng loại 30 lít không dán nhãn.

Chiều cùng ngày, đoàn thanh tra của Sở Y tế TP HCM cũng kiểm tra đột xuất và niêm phong 9 hộp sữa nước tại một cửa hàng trên đường Nguyễn Tri Phương, quận 5, do tại thời điểm đoàn kiểm tra, chủ cửa hàng đã không xuất trình được hóa đơn mua hàng. Hai trong chín mẫu sữa này sẽ được gửi đi kiểm nghiệm các tiêu chuẩn, trong đó có melamine.

Ông Anh cho biết, đây là chiến công đầu tiên sau gần 1 tuần, Sở Y tế TP HCM và quản lý thị trường thành phố mở cuộc tổng kiểm tra tình hình kinh doanh sữa trên địa bàn. Đợt kiểm tra nhằm loại trừ những sản phẩm không rõ nguồn gốc có thể gây hại đến sức khoẻ người tiêu dùng, trước các thông tin về loại sữa có chứa chất melamine gây sỏi thận cho trẻ em Trung Quốc thời gian qua.

- Hãng sữa Sanlu bị yêu cầu tạm ngừng sản xuất. Trong khi đó, cảnh sát tỉnh Hà Bắc đã bắt giữ 4 nhà cung cấp sữa và tạm giữ 22 người khác để thẩm vấn.

- Tới nay, đã phát hiện được hơn 6.200 trẻ em Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi sữa bột chứa chất độc melamine, trong đó có 158 bé bị sỏi thận nặng và 3 bé đã tử vong.

- Hiện Mỹ và một số nước châu Âu đã lên tiếng cảnh báo về việc nhập khẩu sữa từ Trung Quốc.

Theo VnExpress