Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

15 trẻ bị ngộ độc sữa tại Cà Mau: Do sữa nhiễm khuẩn colifom


Trao đổi qua điện thoại ngày 18/9, BS Trần Ngoan, Trưởng khoa ATVSTP và Dinh dưỡng, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Cà Mau cho biết, trường hợp 15 cháu bé bị ngộ độc sữa không phải do nguồn nước (như thông tin trước đó) mà do chính sữa bị nhiễm khuẩn colifom và nấm mốc.

Nhiễm khuẩn từ khâu pha chế
Cũng theo BS Ngoan, qua xét nghiệm mẫu sữa được lấy từ Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Cà Mau, phát hiện sữa bị nhiễm khuẩn colifom và nấm mốc. Đây là nguyên nhân dẫn đến ngộ độc sữa cho 15 trẻ em. Được biết, loại sữa này được sản xuất trong nước, nhưng nguyên nhân nấm mốc là do quá trình bảo quản chưa được tốt từ phía Trung tâm bảo trợ xã hội.

Theo GS Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục VSATTP, Bộ Y tế, việc nhiễm colifom theo như thông báo xét nghiệm của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Cà Mau có thể nhiễm từ quá trình pha chế.

Quá trình bảo quản hoặc kể cả sữa quá hạn sử dụng cũng khó có thể nhiễm colifom. Vì chất colifom chỉ xâm nhập từ bên ngoài vào nhất là trong quá trình pha chế. Phía Cục đã yêu cầu Sở Y tế và Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Cà Mau gửi kết quả xét nghiệm và báo cáo về các trường hợp tiêu chảy này.

Cần tổ chức lớp học pha sữa

Trước đó, ngày 5 - 8/9, lần lượt 15 cháu bé được đưa đến BV Đa khoa tỉnh Cà Mau trong tình trạng tiêu chảy, nôn dữ dội. Bà Võ Ánh Nguyệt, Phó giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Cà Mau, cho biết: Sau khi các bé bú sữa bình do các mẹ nuôi tại trung tâm pha chế, thì xuất hiện các triệu chứng tiêu chảy, nôn ói, sức khỏe suy giảm. Lập tức các cháu được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau cấp cứu.

Ngày 17/9, Sở Y tế tỉnh Cà Mau đã có công văn báo cáo với UBND tỉnh Cà Mau về việc 15 trẻ sơ sinh bị ngộ độc sữa. Theo công văn, các bé bị tiêu chảy ở mức độ nhẹ và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau đã chủ quan khi cho các bé điều trị ngoại trú.

Theo BS Nguyễn Thị Kim Vân, Phó trưởng khoa Khoa Nhi, BV Đa khoa tỉnh Cà Mau, tính đến chiều ngày 18/9, các cháu bị ngộ độc sữa đã hết tiêu chảy. Một số cháu đã ổn định và được xuất viện. Hiện tại còn lại một số cháu vẫn đang được điều trị tại khoa, tuy đã hết tiêu chảy nhưng lại chuyển sang viêm phổi.

TS Khẩn cho rằng, cần phải có lớp học về pha sữa cho các bà mẹ, các trung tâm nuôi dạy trẻ tập trung. Vì vụ việc ngộ độc trên xảy ra với 15 trẻ em nên gây hoang mang. Chứ tại các gia đình, vẫn diễn ra việc trẻ bị tiêu chảy vì sữa chỉ vì cách pha sữa chưa hợp vệ sinh.

Theo Giadinh.net