Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Thu tiền “một cục” hay nhiều khoản?


Nhiều bậc cha mẹ học sinh (HS) hiện nay chuyển hướng sang tìm những trường ngoài công lập có chất lượng cho con học với lý do: học phí tuy cao nhưng chỉ nộp một lần, không phải nộp quá nhiều khoản khác nhau, càng không phải lo tiền ”tiêu cực”. Giải quyết tận gốc chuyện thu tiền búa xua ngoài học phí núp dưới danh nghĩa tự nguyện bằng cách nào?

Trường Marie Curie (Hà Nội) khi cung cấp mẫu hồ sơ cho HS đăng ký dự tuyển đã gửi kèm cả thông tin về trường, trong đó có chi phí mà HS phải trả. Lớp 6 phải nộp 850.000 đồng/HS/tháng bao gồm tiền học, tiền tổ chức bán trú và tiền ăn, nộp một lần 1 triệu đồng/HS tiền trang bị đầu cấp cho bốn năm học. HS lớp 10 ngoài tiền học 400.000 đồng/HS/tháng, nộp một lần tiền trang bị đầu cấp 800.000 đồng/HS. Mức tiền trường trên không phải thấp, nhất là đối với HS nghèo. Nhưng điều khiến nhiều bậc cha mẹ HS thấy hài lòng vì họ có thể lường trước được chi phí phải trả, không phải lo phí phát sinh.

Một phụ huynh khác có con học tại Trường mầm non Việt Triều, Hà Nội cho biết: Đầu năm học mới, trường đột ngột tăng học phí từ 300.000-500.000 đồng/HS/tháng trong khi chất lượng chăm sóc, giáo dục không thay đổi, sĩ số HS/lớp vẫn ở mức quá tải. Ngoài ra, cha mẹ HS phải đóng nhiều khoản khác: tiền xây dựng, mua đồ dùng, học phẩm, quỹ cha mẹ HS; một số trường còn đóng tiền trông xe, tiền trông trẻ ngoài giờ, tiền trông trẻ ngày thứ bảy, tiền nước uống, đồng phục, tiền hỗ trợ tổ chức bán trú, tiền hỗ trợ dạy học, tiền đầu tư trang thiết bị phục vụ đổi mới phương pháp dạy học...

Gom về một khoản hay thu rải rác cả chục khoản, trường tư không chắc đã thu nhiều hơn trường công.

Theo quy định, 40% học phí trong các trường công lập sử dụng chi hỗ trợ lương. Nhưng nhiều hiệu trưởng trường mầm non và phổ thông cho biết việc chi hỗ trợ lương giáo viên đã choán 70-80% tổng thu học phí, trừ tỉ lệ phải trích cho cơ quan quản lý, nhà trường còn vài chục phần trăm từ nguồn học phí để chi tất cả các hoạt động khác. Trường nào càng nhiều giáo viên lâu năm (bậc lương cao), phần chi hỗ trợ lương càng lớn, chỉ còn cách tiếp tục xén vào học phí. Và như thế, khoản còn lại cho các hoạt động giáo dục rất ít.

Bà Phạm Thị Nguyệt - hiệu trưởng Trường mầm non An Dương, Hải Phòng - thừa nhận: “Có rất nhiều thứ nằm trong khoản phải huy động đóng góp của dân: tiền mua đồ dùng, học phẩm, xây dựng khuôn viên, trang trí lớp học, bếp ăn bán trú... Nhưng không thể đưa vào học phí và cũng không thể lấy từ học phí để chi”.

Tỉ lệ học phí chi trực tiếp cho hoạt động dạy học quá ít. Đó là những bất cập của cơ chế tài chính khiến các trường phổ thông phải tìm cách thu thêm từ phụ huynh. Và không loại trừ việc lợi dụng tình cảnh này, có những trường, những cán bộ giáo viên lạm dụng sự tự nguyện của cha mẹ HS để trục lợi.

Theo Tuổi Trẻ