Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Dạy trẻ tự bảo vệ



Hiện nay, việc xâm hại trẻ em đang là vấn đề gây bức xúc trong cộng đồng. Việc giáo dục trẻ ý thức được các nguy cơ và tự bảo vệ nên được các bậc phụ huynh lưu ý và trang bị cho con trẻ để giúp bé tránh được một số trường hợp đáng tiếc. 

Cảnh giác với người lạ


Nên giúp trẻ ý thức được các nguy cơ tiềm ẩn trong việc tiếp xúc với người lạ như bắt cóc, trấn lột, hành hung... Nên cho trẻ đọc các báo, tạp chí dành cho lứa tuổi, nhất là các chuyên mục an ninh, cảnh giác.

Một số bậc phụ huynh cho rằng không nên cho trẻ biết về "mảng xám" của cuộc sống quá sớm như vậy khi họ có thể tô hồng cho thế giới con cái của mình.

Nhưng hãy nhớ rằng bạn không thể bảo đảm tuyệt đối 100% rằng con bạn sẽ ở bên bạn suốt và khi bất trắc chẳng may xảy ra, không ai muốn con cái mình không thể tự vệ được. Do vậy, hãy để trẻ tập dần thói quen tự vệ và tự nhận thức vấn đề.

Cảnh giác với các tình huống khác thường

Ngay cả với những người bạn thân thiết của cha mẹ, bạn cũng nên trang bị cho trẻ khả năng nhận biết đâu là tình huống an toàn và đâu là những trường hợp cần cảnh giác cao, thậm chí nên tránh xa các tình huống đó.

Khi trẻ tiếp xúc với những người bạn thân của bố mẹ, tốt nhất nên luôn có sự quan sát và hiện diện của một phụ huynh của trẻ hoặc anh, chị đã trưởng thành. Tuyệt đối không để trẻ một mình với bất kỳ ai, dù đó là bạn rất thân của cha mẹ.

Xử lý nhanh các tình huống

Nên giúp trẻ tập thói quen ứng phó nhanh. Chẳng hạn khi nhận thấy cha mẹ không có ở nhà, trẻ không được tự ý mở cửa cho khách vào nhà, dù là người quen biết, mà hãy gọi anh chị hoặc người lớn hơn, hay gọi điện cho cha mẹ để thông báo.

Khi bị lạc đường hoặc theo bạn bè đi chơi đột xuất, nên gọi điện về cho gia đình hoặc đến các cơ quan cảnh sát, trường học nhờ giúp đỡ. Luôn lưu số điện thoại, địa chỉ của gia đình vào sổ tay, sách vở và cặp sách của trẻ.

Nên dạy bé cách sử dụng điện thoại công cộng và để sẵn cho bé một chiếc thẻ điện thoại.

Theo Tìm Nhanh