Muốn dạy bé biết chịu trách nhiệm với những gì bé đã làm thì trước tiên, bạn cần dạy bé về đức tính thật thà và sự tôn trọng người khác. Một vài gợi ý cho bạn từ Kidsource.
Đức tính thật thà Bạn nên rèn luyện cho bé điều này từ sớm. Chẳng hạn, nếu bé làm đổ thức ăn, bạn nên để cho bé tự nhận lỗi kèm theo việc giải thích lý do bé làm đổ. Tuy bé không cố ý nhưng bé sẽ phải chịu trách nhiệm sau đó - để bé lau chùi sàn nhà bẩn do chính thức ăn vừa bị đổ (có sự hướng dẫn của bạn). Ảnh: GettyImages
Những hành vi có mức độ cao hơn như khi bé nói bậy, cắn anh (chị) bé khi chơi, bạn nên dạy bé học cách xin lỗi. Bạn nên để bé thấy rằng, nếu nói dối, bé sẽ không còn được bố mẹ hay các bạn tin yêu. Dù mắc tội gì, nếu bé thành thật khai báo, bạn cũng sẵn lòng lắng nghe. Do đó, thật thà được coi là đức tính tốt khi muốn dạy bé biết tự chịu trách nhiệm. Dạy bé biết tôn trọng người khác Bé sẽ không biết cách tự mình giải quyết rắc rối nếu không biết tôn trọng người khác. Ví dụ, bé đập vỡ đồ chơi của bạn khác và biện minh rằng: “Tại bạn Gấu chê con hay tè dầm”. Lúc này, bạn nên bình tĩnh giải thích rằng: "Hành động trả thù của bé là sai, bé hoàn toàn có thể lịch sự yêu cầu bạn Gấu không nói về mình như vậy nữa hoặc nói với người lớn nếu bạn Gấu không chịu dừng lại". Sau đó, bạn yêu cầu bé xin lỗi bạn Gấu vì hành động của mình và có thể yêu cầu bạn Gấu hành động tương tự với bé (vì nhưng lời nói của Gấu). Mẹo nhỏ dành cho bạn Đọc sách cho bé: Bé sẽ học được nhiều điều tốt – xấu từ những nhân vật trong chuyện. Thậm chí, những thông điệp thú vị mà câu chuyện mang lại sẽ in dấu trong tâm trí bé kể cả khi đã lớn lên. Bạn nên tìm đọc cho bé những câu chuỵện đơn giản nhưng mang ý nghĩa sâu sắc. Sau đó, bạn hãy để bé tự nhận xét về các tình tiết trong câu chuyện đấy. Khuyến khích bé nêu ý kiến: Bé sẽ đặt câu hỏi với bố mẹ vì muốn hiểu vấn đề nào đó thấu đáo hơn. Ngoài ra, khi nêu ý kiến, bé sẽ nhận biết được tầm quan trọng từ những yêu cầu từ bố mẹ và tự giác thực hiện. Bạn nên dành thời gian trao đổi với bé. Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, bạn cũng nên để cho bé nói hết suy nghĩ của mình trước khi bạn đưa ra kết luận cuối cùng. Thành quả của việc bé biết chịu trách nhiệm với hành động của mình chính là lòng trung thực và tinh thần tiến bộ ở bé. Phương pháp dạy bé tốt nhất vẫn là dùng lời nói kết hợp với hành động. Bé rất thích bắt chước theo bố mẹ, những người thân trong gia đình hay bạn bè ở lớp mẫu giáo của bé. Do đó, bạn cần phải đặc biệt lưu ý vì bé có thể tiêm nhiễm lời nói, hành vi xấu của những người xung quanh. Hơn nữa, nếu bạn muốn dạy bé làm một việc tốt nào đó, bạn nên lặp đi lặp lại hành động đó để bé ghi nhớ. Tuy nhiên, bé thường có biểu hiện lơ là, không chịu làm theo chỉ dẫn nếu vắng mặt bạn. Do đó, bạn nên luôn ở bên cạnh để kịp thời nhắc nhở và uốn nắn khi bé có hành vi không tốt. Theo mevabe.net |