Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Rối rắm chuyện phân nhiệm sở giáo viên mới


Trong kỳ tuyển công chức vừa qua, Sở GD-ĐT TP.HCM tuyển được khoảng 2.700 giáo viên (GV) nhưng vẫn chưa đủ chỉ tiêu. Vì thế, Sở lại phải xin ý kiến UBND TP để tuyển tiếp đợt hai với đối tượng tuyển mở rộng hơn. Trong hoàn cảnh đó, lẽ ra các trường phải tranh nhau tiếp nhận GV mới nhưng sự thật lại ngược lại!
1001 kiểu từ chối

Theo ghi nhận của chúng tôi, từ nửa tháng nay, hầu như ngày nào cũng có năm - sáu GV chầu chực trước cửa Phòng Tổ chức cán bộ (TCCB) - Sở GD-ĐT để xin được thay đổi nhiệm sở. Cô Lâm Thị Thanh Hương - GV toán THCS, được phân công về Q.2 nhưng khi đến Phòng Giáo dục Q.2 nhận nhiệm sở thì được trưởng phòng hẹn gặp lúc khác. Sau ba - bốn lần đi lại, cô Hương vẫn không nhận được câu trả lời. Được biết, Q.2 thiếu hai GV dạy toán, Phòng TCCB của Sở phân về hai GV đều bị từ chối.

Tương tự là trường hợp của cô Nguyễn Thanh Hải - GV môn lịch sử THPT. Theo giấy phân công, ngày 28/8, cô Hải đến Trường THPT Trần Khai Nguyên (Q.5) nhận công tác nhưng không gặp được hiệu trưởng. Hai lần đến trường tiếp theo, cô Hải cũng không gặp được người có trách nhiệm. Lần thứ tư, sáng 3/9 cô Hải mới gặp được hiệu trưởng nhưng hiệu trưởng cho biết trường đã có ba GV lịch sử, nên không cần thêm người.

Cô Lương Thị Trâm Anh - GV vật lý bức xúc: “Sở phân công tôi về Trường THPT Võ Trường Toản (Q.12), nhưng vừa đưa giấy ra hiệu trưởng đã từ chối ngay”. Trả lời chúng tôi, hiệu trưởng trường này cho biết: “Căn cứ vào số HS của năm học 2007-2008, nhà trường đã xin Sở ba GV dạy vật lý, nhưng sau khi sắp xếp lớp, thấy chỉ cần hai GV là đủ và chúng tôi đã nhận đủ người”.

Bên cạnh chuyện từ chối không nhận, việc phân công về những nơi không gần nhà cũng đã gây nhiều bức xúc cho GV. Cô Phương - một GV tiểu học, sụt sùi: “Nhà tôi ở Gò Vấp. Quận này cũng đang rất thiếu GV tiểu học, Phòng GD quận đã đồng ý nhận tôi nhưng Phòng TCCB lại phân tôi về huyện Bình Chánh. Lương quá thấp mà phải di chuyển quá xa nên thà tôi ở nhà còn hơn”.

Hạnh - một GV tiểu học, nhà ở Q.Tân Bình cho biết, cô vừa bỏ nhiệm sở được phân công ở Bình Chánh để quay về xin làm GV hợp đồng gần nhà.

Những trường hợp bị phân công “trái khoáy” so với nơi ở như cô Phương, cô Hạnh là không ít. Chẳng hạn, tại Q.3, tính đến thời điểm này còn thiếu trên 20 GV mầm non, nhưng những ứng viên trúng tuyển có hộ khẩu ở Q.3 lại không được điều về.

Một GV mầm non nhà ở P.9, Q.3 bức xúc: “Tôi được phân công sang Q.1. rồi được điều về dạy ở Trường MN Tuổi Hồng gần Q.4. Tôi đã liên hệ với Phòng GD Q.3, cơ quan này đồng ý tiếp nhận, nhưng Phòng TCCB kiên quyết không cho về. Tôi vừa xin làm hợp đồng cho một trường mầm non ở gần nhà...”.

Thiếu chuyên nghiệp
Về tình trạng Sở phân công nhưng các trường THPT và các Phòng GD quận huyện không nhận, ông Văn Công Sang - Trưởng phòng TCCB, Sở GD-ĐT, cho rằng: “Do một số GV sau khi được phân công nhiệm sở đã không đến trình diện ngay, nên các trường phải ký hợp đồng với GV khác. Một lý do khác, có thể do vào cuối năm học 2007-2008, một số GV có ý định xin nghỉ nên ban giám hiệu các trường đề xuất xin GV. Hết hè, GV lại không nghỉ nữa nên trường không cần thêm GV mới”. Cách lý giải vừa nêu cho thấy tính chất thiếu chuyên nghiệp trong công tác TCCB.

Về việc phân công nhiệm sở không phù hợp với nơi cư trú, ông Sang cho rằng “do nhiều quận thiếu GV nên buộc phải điều GV ở quận khác sang”. Trước đây, Sở GD-ĐT từng áp dụng hình thức cho giáo sinh chọn nhiệm sở theo kết quả học tập, vì sao không làm theo cách đó? Ông Sang giải thích: “Nếu phân bổ nhiệm sở theo cách đó thì ngoại thành, vùng sâu vùng xa sẽ không có GV giỏi”. Lý thuyết là vậy, nhưng thực tế cho thấy khi GV đã không chịu đi xa thì quận xa đương nhiên thiếu mà quận gần cũng thiếu.

Năm học 2007 - 2008, ngành GD-ĐT TP.HCM phải tuyển đến ba đợt, tuyển cả diện KT3, cũng chỉ tuyển được 3.142 GV, còn thiếu hàng ngàn GV, đặc biệt ở bậc tiểu học. Để chuẩn bị cho năm học 2008- 2009, Sở đưa ra kế hoạch tuyển 4.300 GV cho tất cả các bậc học. Trong đợt một, Sở này chỉ mới tuyển được 2.700 GV, thiếu 1.600. Con số trên chỉ là căn cứ vào hồ sơ, còn số đến nhận nhiệm sở và số bỏ nhiệm sở thì vẫn chưa thống kê được. Xem ra, chuyện thiếu GV tại TP.HCM vẫn còn tiếp diễn dài dài!

Giáo viên dạy thêm giờ sẽ được trả thêm lương
Ngày 15-9, Bộ GD-ĐT, Tài chính, Nội vụ ban hành thông tư hướng dẫn trả lương dạy thêm giờ cho giáo viên (hợp đồng, thử việc), cán bộ quản lý đang làm việc trong trường công lập.

Đối với cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp thì tùy theo điều kiện cụ thể của từng đơn vị mà thực hiện tạm ứng tiền lương dạy thêm giờ theo tháng hoặc theo học kỳ cho phù hợp.

Ngoài ra, chỉ thanh toán tiền lương dạy thêm giờ ở đơn vị, bộ môn thiếu nhà giáo theo định mức biên chế. Đơn vị, bộ môn không thiếu nhà giáo theo định mức biên chế thì chỉ được thanh toán tiền lương dạy thêm giờ khi có nhà giáo nghỉ ốm, thai sản theo quy định, phải bố trí nhà giáo khác dạy thay.

Tiền lương dạy thêm giờ trong cơ sở giáo dục mầm non được trả theo tháng, bao gồm mức lương theo ngạch, bậc hiện hưởng, các khoản phụ cấp lương và hệ số chênh lệch bảo lưu (nếu có).

Theo Báo Pháp Luật

Theo Tin Tức