Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Xây dựng ở bé những tố chất tốt



Bé có thể trở thành một công dân hữu ích trong tương lai nếu ngay từ bây giờ, bạn biết cách xây dựng cho bé những phẩm chất cần thiết như tính tự lập, suy nghĩ tích cực, biết chịu trách nhiệm...Các ông bố bà mẹ hãy tham khảo một số lời khuyên bên dưới nhé.

Dạy bé suy nghĩ tích cực

Bạn hãy hướng dẫn để bé nhận biết rằng suy nghĩ lạc quan sẽ đem đến niềm vui và được mọi người quý mến. Điều này bao gồm: thái độ vui vẻ, hòa nhã với mọi người. Cho dù bé đang bực dọc hoặc khó chịu về điều gì đó nhưng khi gặp người lớn bé vẫn phải lịch sự mỉm cười chào hỏi. Hoặc bạn cũng có thể giúp bé xây dựng lòng vị tha. Ai cũng có thể mắc lỗi, vì thế bé nên tha thứ nếu có người nói lời xin lỗi với bé.

Giúp bé ra quyết định

Cùng lúc bạn đưa ra một số tình huống để buộc bé phải lựa chọn. Ví dụ như, bạn gợi ý chủ nhật này bạn sẽ đưa bé đi công viên hay đi siêu thị (đây là cả hai địa điểm bé yêu thích). Sau đó, bạn có thể gợi ý để bé tự mình quyết định chọn lựa một địa điểm cuối cùng.

Trở thành thần tượng của bé

Dĩ nhiên, bạn không nhất thiết phải là tấm gương 100% về chuẩn mực đạo đức, hành vi dành cho bé. Tuy nhiên, bé sẽ dễ dàng học hỏi và bắt chước phần lớn tính cách và thói quen sống hàng ngày của cha mẹ. Vì vậy, một phương pháp giáo dục không bao giờ cũ là bạn hãy làm gương cho bé trước đã.

Bạn nên sửa những tật xấu như để nhà cửa bề bộn, bẩn thỉu hay thường xuyên nói tục, nói trống không... nếu không muốn bé cũng nhiễm phải chúng.

Hướng dẫn bé làm việc nhà

Để bé làm việc nhà là giúp bé phát triển ý thức lao động và sống có trách nhiệm. Bạn có thể hướng dẫn để bé biết cách hoàn thành những công việc nhà được giao. Thậm chí, bạn hãy trò chuyện để bé hiểu rằng nếu làm không tốt, bé có thể bị phạt.

Khen ngợi bé

Thi thoảng, bạn có thể cổ vũ những kỹ năng hay hiểu biết của bé về một lĩnh vực nào đó. Chẳng hạn, bạn có thể nhờ bé dạy mình cách nặn hình một bông hoa hay một con vật nếu bé giỏi về bộ môn này.

Những lúc như thế, bạn nên lắng nghe bé bày tỏ quan điểm hay ý kiến của bé. Qua đó, bạn có thể khéo léo gợi ý để bé có nhận thức đúng đắn hoặc có kiến thức cơ bản về vấn đề đó.

Theo Mevabe.net