Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Hỗ trợ con đúng cách


Làm cha mẹ, ai chẳng muốn con mình giỏi giang, thông minh. Nhưng không phải ai cũng biết cách quan tâm và hỗ trợ con khi cần thiết.

“Cha mẹ không bao giờ thèm ngó ngàng gì đến việc học của em cả. Học giỏi thì tốt, không giỏi cũng chả sao!”. Bé Mai Dung, một học sinh lớp 6 Trường THCS Phước Bình, Q.9-TPHCM, nói như thế. Em cho biết ba mẹ em bận rộn công việc buôn bán nên không có thời gian hỏi han bài vở của em.

Hiểu để giúp con
Trái với trường hợp của Mai Dung, cha mẹ của Thảo Loan, học sinh lớp 8 Trường THCS Ngô Sĩ Liên, Q. Tân Bình lại quá chăm chú vào kết quả học tập của con. Mỗi khi Loan vừa đi học về là mẹ em mở cặp kiểm tra bài vở, điểm số của em ngay. Thời khóa biểu học tập hằng ngày của em cũng bị cha mẹ áp đặt sít sao, không còn lấy một khoảng thời gian trống nào cả. Lý do là vì ba mẹ Loan muốn em có kết quả học tập xuất sắc.

Có rất nhiều đứa trẻ khi được hỏi đến đều than thở rằng cha mẹ chưa hiểu chúng. Cha mẹ không hiểu rõ con mình thích gì, có năng khiếu về mặt nào thì làm sao giúp đỡ chúng phát huy hết khả năng trong học tập được? Có em thích học tập nhưng lại không nhận được sự hỗ trợ, khuyến khích từ cha mẹ nên “không có động lực học”, dễ dàng chán nản buông xuôi. Có em bị cha mẹ “nhồi ép”, đặt kỳ vọng quá mức nên cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng...

Quan tâm, hỗ trợ con khi cần thiết sẽ thắt chặt thêm mối liên hệ giữa cha mẹ và con cái

Tựu trung, một đứa trẻ bình thường luôn cần được đáp ứng những nhu cầu căn bản như: Sức mạnh để chúng có thể kiểm soát được bản thân, khám phá thế giới. Được thấu hiểu và quan tâm cũng như có sự khám phá và trải nghiệm, mạo hiểm, phạm sai lầm... chỉ nhằm thỏa mãn trí tò mò và đặc biệt là tự do để có khả năng đưa ra quyết định một cách độc lập, tự thân.

Hiểu được những nhu cầu căn bản nhất của con cái và tính cách riêng của từng em sẽ giúp cha mẹ có cách giáo dục và quan tâm đúng mức. Chị Thu, mẹ của một bé trai 4 tuổi, cho biết: “Cháu rất thông minh, nhưng khi bị ai đó chọc ghẹo là tỏ ra bướng lắm!”. Vì thế, chị tránh không làm con “mất mặt” trước người khác. Thay vào đó là khen ngợi, động viên, khích lệ cháu theo kiểu: “Mẹ biết là con có thể làm được mà...”. Với cách đó, chị muốn cháu làm gì cháu cũng dễ dàng làm theo.

Cùng học, cùng chơi với con

Vai trò hỗ trợ, đốc thúc của cha mẹ trong việc học tập của con là rất lớn. Một đứa trẻ được cha mẹ động viên, khích lệ sẽ phát huy được nhiều khả năng hơn so với đứa trẻ chỉ có trí thông minh mà thôi. Diễn giả Quách Tuấn Khanh, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện thành công và hạnh phúc, cho biết: “Khi cha mẹ chơi với con cái thì không tốn kém bao nhiêu thời gian nhưng nhận được những điều quý giá như: sự tin tưởng, yêu mến của con, niềm vui gia đình giúp giải tỏa căng thẳng trong cuộc sống...

Đặc biệt, hãy chứng tỏ niềm tin của bạn vào con cái và giúp chúng củng cố sự tự tin ấy. Phải tỏ cho con trẻ biết là tận sâu thẳm trong trái tim, bạn yêu con vì bản thân chúng chứ không phải những gì chúng làm được. Hãy dùng các cảm xúc tích cực (vui nhộn, lý thú, sung sướng) để cổ vũ ý thức học tập của trẻ. Ví dụ: Bạn có thể thưởng cho con mỗi khi chúng đạt được điểm cao. Hoặc đôi khi cũng cần tạo một chút cảm giác sợ hãi nơi con để giúp chúng nỗ lực học hỏi hơn (như giao kèo sẽ phạt không cho chúng đi chơi nếu bài kiểm tra bị điểm kém)... Một điều rất quan trọng đối với các bậc phụ huynh là biết lắng nghe và điều chỉnh cách giáo dục, hỗ trợ con trẻ khi cần thiết.

Để làm một người cha, người mẹ tốt quả là một vấn đề khó khăn. Càng khó khăn hơn khi cha mẹ phải trở thành một người bạn tốt của con, cùng vui chơi cùng học tập với con. Điều đó đòi hỏi các bậc cha mẹ phải nỗ lực và kiên nhẫn rất nhiều. Tuy nhiên, với tình yêu dành cho con thì không có gì là cha mẹ không thể làm được!

Theo Netlife