Đòn roi có phải là cách dạy con? "Yêu cầu lớn nhất của cha là em phải học thật giỏi và luôn biết vâng lời. Mỗi lần trái ý ông, dù là đúng sai, lỗi lớn hay nhỏ, ông đều lấy roi mà dạy..." Đừng trút giận lên người con trẻ Chuyên gia tư vấn tâm lý Đoàn Bắc Việt Trân, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn Tâm lý Nối kết, cho rằng: "Ngày nay, phương pháp này không được khuyến khích dù là với bất cứ lý do và mục đích nào. Nhất là hiện tại, trẻ em được giáo dục rằng các em được bảo vệ bằng Quyền Trẻ em, trong đó có Quyền được an toàn và được bảo vệ. Tuy nhiên, quan điểm người lớn vẫn cho rằng, sử dụng roi vọt là cách uốn nắn trẻ một cách hiệu quả. Thật ra, khi phải dùng đòn roi thì chính người lớn đã cho thấy sự bất lực của mình trong cách giáo dục con cái". Nhất là ở Việt Nam, trẻ em vị một trận đòn là bạn bè, mấy nhà xung quanh đều biết, nỗi đau vì thể xác cũng chưa chắc lớn bằng cái đau vì cảm thấy mình tủi nhục, xấu hổ. Là cha mẹ ai cũng muốn dạy con nên người. Nhưng có muôn ngàn cách dạy con mà không cần dùng đến roi vọt. Nghiêm khắc không đồng ngĩa với việc sử dụng bạo lực. Tôn trọng thể xác cũng chính là tôn trọng về mặt tinh thần cho đứa bé. Dùng tình cảm, bằng lời lẽ, các biện pháp xử phạt khác, có thể lâu có kết quả hơn nhưng điều đó giúp đứa bé có hướng tâm lý tốt hơn về tình thương, lòng bao dung và sự dịu dàng của cha mẹ.
Cũng theo chị Việt Trân, ta cần phân biệt trẻ phạm lỗi là do không hiểu, không biết hay do cố tình. Và những lỗi mà trẻ phạm phải có thực sự nghiêm trọng không hay chỉ là sự không vừa lòng người lớn. Luôn luôn trong cách giáo dục trẻ, ta cần cho trẻ hiểu rằng những kỷ luật đặt ra là nhằm lợi ích tốt nhất cho chúng chứ không phải phục vụ ý muốn của người lớn. Ngoài ra, có những "vấn đề" của trẻ mới nhìn tưởng là do trẻ ngang bướng, lì lợm nhưng thật ra là trẻ đang gặp khó khăn trong sự phát triển tâm lý, thậm chí có dấu hiệu bệnh lý. Vì vậy, chúng ta luôn phải gần gũi trẻ về mặt tình cảm để trẻ cảm thấy an toàn, thấy mình được tôn trọng. Có khi trẻ hư là do bắt chước từ người lớn. Nếu người lớn không làm gương mà chỉ đánh trẻ thì trẻ không phục, từ đó có hành vi chống đối nặng nề hơn.. Đánh cũng phải... học Cha mẹ cũng cần học cách kiềm chế cảm xúc, ngay cả khi phạt trẻ cũng vậy. Hoàn toàn không nên bột phát sự nóng giận và không để cho trẻ nhận thấy người lớn đang trút sự giận dữ lên cơ thể của trẻ. Mục đích của bạn không phải là cho con một bài học nhớ đời mà muốn nhắc con nhớ, hành động sai trái nào cũng sẽ có những hình phạt tương xứng, vì thế cần biết điểm dừng và nhìn ra cái sai của mình, bạn đừng nhắm mắt, quất con túi bụi... Nên đe con ngay khi con có lỗi để con nhớ, không nên dồn hay đánh không đúng lúc, hoặc quá giới hạn. Và bạn cũng cần ghi nhớ rằng luôn luôn đi kèm việc đánh đòn với việc chỉ cho trẻ thấy lỗi lầm, phân tích nguyên nhân, hậu quả của sai lầm ấy rồi đưa ra lời dạy bảo cương quyết. Trong quá trình đánh trẻ, cần hướng cho trẻ vào việc lắng nghe bạn phân tích đúng sai chứ không quá tập trung vào những cái roi sắp giáng xuống thân xác trẻ... Tốt nhất, hãy dạy bảo con cái bằng lời khuyên và những phương pháp giáo dục không đòn roi. Nhưng nếu bạn thấy rằng chỉ có đánh đòn mới có thể làm trẻ tốt hơn lên, thì bạn hãy thi hành việc này một cách thích hợp. |