Trung thu của trẻ thành phố Mới vào đầu tháng 8 âm lịch, nhiều con phố cổ Hà Nội chật lên bởi hàng hoá phục vụ Tết Trung thu. Dọc phố Hàng Mã, Lương Văn Can... rực rỡ sắc màu của đèn lồng, đèn ông sao, đèn kéo quân, đồ chơi các loại. Mỗi năm, sản phẩm phục vụ cho ngày Tết của trẻ em lại được bổ sung nhiều mặt hàng mới. Năm nay, loại đồ chơi bạo lực như súng, gươm vẫn được bày bán nhiều và lúc nào cũng có sức thu hút đặc biệt đối với trẻ em. Đáng mừng hơn, sự xuất hiện của loại gươm có đèn sáng đã chiếm lĩnh loại đồ chơi bạo lực, không gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ và làm giảm bớt tính chất bạo lực Cao cấp hơn là loại đồ chơi trí tuệ như đồ lắp ghép bằng gỗ, bằng nhựa. Tại các cửa hàng của Lego, Vessano... đồ lắp ghép cũng được nhiều ông bố bà mẹ quan tâm tìm mua tuy không chiếm số đông. Bởi giá cả của loại mặt hàng này rất cao, loại rẻ cũng tới 100.000 đồng, trung bình là 300.000 - 400.000đ/bộ. Buổi tối, các phố bán đồ chơi trở nên đông vui hơn hẳn với sự góp mặt của trẻ em. Ngày bọn trẻ phải đi học, bố mẹ đi làm nên chúng được bố mẹ đưa đi mua đồ chơi vào buổi tối. Có bọn trẻ là có rắc rối khi chúng đòi mua đồ chơi theo ý thích. Có đứa, do được chiều quá nên khi không được mua siêu nhân đắt tiền, nó lăn ra vỉa hè khóc ầm ĩ. Ngại với mọi người xung quanh, ông bố đành mua vội rồi kéo tuột nó đi. Lại có người giàu có, thấy bất kỳ loại đồ chơi nào mới, bà mẹ cũng hỏi cô con gái nhỏ: "Thích không con?", "Mua không con?". Có người chứng kiến cảnh mua đồ chơi Trung thu của trẻ em phải thốt lên: "Bọn trẻ thành phố sao sướng thế!". Niềm vui của trẻ em nghèo Trái ngược với trẻ em Thủ đô, ở một góc khuất khác, đằng sau những ngọn núi xanh mướt với dòng suối chạy quanh, lại có một thế giới tuổi thơ trong trẻo nhưng rất thiệt thòi. Trong một chuyến công tác đến xã Pú Hồng, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên, chúng tôi được tiếp xúc với rất nhiều trẻ em sống trong những ngôi nhà sàn đơn sơ. Chúng túm tụm lại với nhau cùng chơi đùa dưới gầm nhà sàn. Cả nhóm có khoảng 10 đứa trẻ thì 2 đứa có đồ chơi, món đồ chơi giống hệt nhau, chỉ khác một chút về màu sắc. Đó là 2 chiếc ôtô tự tạo bằng lọ dầu gội đầu cũ rích. Bốn bánh ôtô làm bằng gỗ, trục xe nối các bánh và gắn với thùng xe cũng là gỗ - thứ nguyên liệu sẵn có ở miền núi. Bọn trẻ buộc dây vào đầu xe và kéo nó chạy khắp nơi. Đứa trẻ chơi đồ chơi này lớn hơn hẳn so với loại đồ chơi mà nó đang cầm trên tay. Lẽ ra, đồ chơi của nó phải là loại đồ chơi lắp ghép, hay đồ chơi trí tuệ như trẻ thành phố. Nhưng, ngay cả kẹo bánh chúng cũng chẳng được ăn nhiều chứ đừng nói đến chuyện đồ chơi. Xã Pú Hồng là xã nghèo của huyện Điện Biên Đông. Các hộ gia đình ở đây chỉ quen với việc làm nương, sống cuộc sống đơn giản, có phần kham khổ. Chỉ riêng việc bọn trẻ được đến trường đã là niềm vui lớn của họ. Muốn có đồ chơi cho trẻ con, họ phải vượt qua mấy chục cây số, qua nhiều con suối mới đến trung tâm huyện. Bởi vậy, trẻ em vùng núi xa như thế chỉ chơi với cây lá, với đồ chơi tự tạo Chuyến công tác ở xã Pú Hồng, tôi đã nhìn thấy nhiều đồ chơi tự tạo như thế, chỉ có sự thay đổi là màu của chiếc ôtô lúc xanh, lúc trắng theo màu của các lọ nhựa phế thải. Liệu chúng có biết đến ngày Tết Trung thu? Lời kết Ký ức về Tết Trung thu của tôi là chiếc đèn ông sao được bố kỳ công làm bằng giấy trắng, que tre. Cầm đèn đi chơi khắp làng, nhưng tôi không dám thắp nến bên trong vì sợ cánh sao sẽ cháy mất. Cái đèn ông sao ấy được dùng từ năm nọ sang năm kia. Tôi dùng, em thứ hai dùng, rồi đến em thứ ba, nó vẫn còn mới nguyên. Chị em chúng tôi chơi đèn với sự nâng niu, giữ gìn. Còn với bọn trẻ hiện nay, chúng quá dễ dàng được mua, hỏng lại được thay nên không cảm nhận được sự quý giá của món đồ chơi. Trẻ thành phố nay đã quen với sự đòi hỏi mà không biết sẻ chia với các bạn nghèo. Vào một ngày đầu tháng 8 âm lịch này, đã có nhiều doanh nghiệp, tổ chức lên kế hoạch Tết Trung thu cho trẻ em nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Đây là tín hiệu đáng mừng cho mỗi mùa Trung thu, mang niềm vui đến cho trẻ em thiệt thòi. Mong rằng chúng ta có nhiều sự quan tâm hơn cho trẻ em ở vùng sâu, vùng xa. Với các bậc cha mẹ, hãy lấy Tết Trung thu làm cơ hội để giáo dục con cái về tình yêu thương và sự sẻ chia. Có vậy, Tết Trung thu mới thật ý nghĩa Theo CAND |