Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Chữa bệnh miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi: Còn nhiều bất cập


* Hầu hết các bệnh nhân ở Bệnh viện nhi đều khám bệnh tự nguyện
Luật Chăm sóc và bảo vệ trẻ em sửa đổi, có hiệu lực từ ngày 1/1/2005, có quy định cơ sở y tế công lập phải khám chữa bệnh (KCB) miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi. Quy định này là thiết thực, nhưng thực tế sau hơn 3 năm thực hiện vẫn còn nhiều bất cập.

Mục đích của việc KCB miễn phí cho trẻ dưới 6 tuổi thì tốt nhưng thủ tục hành chính cho việc khám chữa bệnh miễn phí rất rườm rà, phức tạp. Trên thực tế, khâu nào trong quy trình khám chữa bệnh miễn phí với trẻ em dưới 6 tuổi bằng Bảo hiểm y tế (BHYT) cũng đều bị “tắc”.

Thủ tục để được phát thẻ KCB miễn phí rườm rà
Tại Hà Nội, thủ tục để cấp được thẻ BHYT cho trẻ em sớm nhất cũng phải mất 10 ngày. Cụ thể, 3 ngày đầu, phường lập danh sách, có giấy khai sinh, nếu trẻ ở nơi khác đến địa bàn phường thường xuyên từ 6 tháng trở lên phải có bản photocopy khai sinh gốc, gửi về quận. Ngày thứ 4, Ủy ban Dân số Gia đình và Trẻ em (UBDSGĐ&TE) quận chuyển về phường danh sách trẻ em được nhận để phường kiểm tra độ chính xác thông tin. Sau đó ngày thứ 5, phường gửi bản danh sách sau khi đã kiểm tra và xác nhận về quận. Quận chuyển thẻ in chính thức về phường để trình ký, đóng dấu của chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường. Ngày thứ 6, Ban DSGĐ & TE phường nộp thẻ đã ký, đóng dấu về quận và nhận thẻ được ép hoàn chỉnh tại phiên giao ban định kỳ hàng tháng. Từ 7-10 ngày, ban DSGĐ & TE phường mới phát thẻ khám chữa bệnh đến từng gia đình

Đấy chỉ là lý thuyết, còn thực tế có những nơi việc cấp thẻ kéo dài đến hàng tháng trời. Hiện nay việc thực hiện trên địa bàn đều phụ thuộc vào mạng lưới cộng tác viên dân số nhưng đội ngũ này đa số tuổi cao và thu nhập thấp, mặt khác, chưa được đào tạo phương pháp lấy thông tin nên không ít trường hợp xảy ra tình trạng ghi nhầm dẫn đến quy trình bị ách lại rất lâu. Trong khi đó nhiều trẻ lại được cấp đến 2 thẻ…

Bất cập khám bệnh cho trẻ dưới 6 tuổi bằng thẻ
Hơn 10 triệu trẻ dưới 6 tuổi có thẻ khám chữa bệnh miễn phí
Theo Bộ Y tế, hiện cả nước đã có trên 10 triệu trẻ dưới 6 tuổi được nhận thẻ Khám chữa bệnh (KCB) miễn phí, trong đó mới đây, đã có hơn 2 triệu thẻ KCB miễn phí được chuyển tới các địa phương để cấp cho đối tượng trẻ mới sinh.
Việc phân tuyến cũng là nguyên nhân khiến nhiều trẻ có thẻ vẫn không được miễn phí. Hiện các trạm y tế phường hầu như không có chuyên khoa nhi, không có cơ số thuốc, tủ thuốc hoặc chỉ có những thuốc đơn giản. Do đó, các cháu đến khám ở đây thường phải mang đơn thuốc ra ngoài mua. Nếu trẻ lên tuyến trên mà không muốn mất thời gian qua phường thì phải trả tiền do vượt tuyến.

Theo quy định, trẻ dưới 6 tuổi có thể KCB ở mọi cơ sở y tế công lập, trong khi thực tế các cháu đều phải đăng ký nơi KCB ban đầu. Chính vì tâm lý, muốn con em mình KCB ở nơi tốt nhất đã gây ra tình trạng KCB vượt tuyến, làm quá tải các bệnh viện tuyến Trung ương và những cháu không có giấy chuyển viện thì khi KCB ở tuyến trên cũng không được thanh toán viện phí.

Sự khó khăn trong thủ tục khám miễn phí cho trẻ em đã khiến hầu hết các gia đình chuyển sang khám tự nguyện. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, trong khi bệnh nhân và người nhà xếp hàng chen lấn để mua sổ, đóng tiền khám tự nguyện đông đến nỗi bảo vệ phải can thiệp thì phòng khám bằng thẻ BHYT chỉ lác đác mấy người đến hỏi thủ tục và sau đó…ra về.

Lý do mà các bậc cha mẹ chọn việc khám tự nguyện cho các bé trong khi đã có BHYT là các bậc cha mẹ đều cho rằng thủ tục quá rườm ra, mất thời gian và phải đúng tuyến. Ngoài ra, còn do vấn đề tâm lý, nhiều bố mẹ sợ con mình khi khám bệnh bẳng thẻ BHYT sẽ bị “đối xử” giống như khám chữa bệnh bằng BHYT với người lớn nên chủ động khám tự nguyện, mất tiền nhưng được việc và yên tâm hơn.

Xung quanh vấn đề này, Bác sĩ Thắng, khoa Thần kinh, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: Đây là chính sách rất đúng đắn. Bệnh viện Nhi đã thực hiện nghiêm túc quy định này đối với các bệnh nhi dưới 6 tuổi có thẻ KCB miễn phí. Tuy nhiên, thời gian qua người dân đưa trẻ đi khám trái tuyến rất đông, gây quá tải. Nhiều người không hiểu nên nghĩ bác sĩ gây khó dễ hoặc vòi vĩnh. Bệnh nhân thì chỉ muốn lên thẳng đơn vị KCB tuyến trên mà không biết rằng với nhiều bệnh thông thường, họ hoàn toàn có thể khám và được điều trị tốt ở cơ sở y tế tuyến dưới.

Chị Nga, y tá tổ 47, phường Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội: Quy định này rất phù hợp đối với các phường xã xa bệnh viện lớn. Thời gian đầu, nhiều người chưa nhận thức đúng về vai trò của Trạm y tế phường nên hễ có vấn đề gì về sức khỏe là nhất thiết phải lên các bệnh viện tuyến trên. Khám tại trạm y tế phường, bệnh nhi được miễn phí thuốc điều trị, nhưng hầu hết cha mẹ trẻ chỉ xin đơn thuốc, sau đó ra ngoài mua. Dường như họ không yên tâm về thuốc cấp phát.

Chị Nguyễn Thị Mai Hương, Đinh Liệt, Hà Nội: Quy định chưa thực sự chặt chẽ và những người thực hiện cũng chưa thật hiểu bản chất vấn đề. Con trai tôi 5 tuổi, đăng ký thẻ KCB tại phường Trung Liệt, quận Đống Đa. Khi cháu bị ốm, tôi đưa cháu đến bệnh viện Bạch Mai vì nghĩ rằng phòng khám của phường không thể điều trị trong trường hợp này. Bệnh viện Bạch Mai từ chối không tiếp nhận vì không có giấy chuyển từ tuyến dưới. Khi chồng tôi về phường xin giấy thì người trực trạm trả lời là ngày nghỉ nên không làm việc. Trong tình huống bệnh cấp bách mà thủ tục cứ rườm ra như thế này thì người dân như chúng tôi khám dịch vụ cho xong, thà mất tiền mà được việc con hơn.

Chị Mai, Hà Nam: Lần đầu tiên đi khám bằng thẻ BHYT đến khổ, khi đưa cháu đến khám ở Bệnh viện Nhi Trung ương, xếp hàng làm thủ tục khám cho cháu, đến lượt khám không đủ giấy tờ kèm theo thế là tôi vừa bị mắng là làm mất thời giờ của người khác, lại vừa lo đến gần trưa rồi mà con mình vẫn chưa được khám. Thế là những lần sau đó, tôi đến thẳng phòng khám tự nguyện, xếp sổ nộp tiền và khám cho con, vừa đỡ mất thời gian, vừa yên tâm và không bị bác sĩ mắng.

Anh Tuyến, ngõ Chính Kinh, Hà Nội: Tôi công việc bận, đưa con vào khám tự nguyện cho nhanh, nhiều khi đi muộn cũng phải chờ lâu, bao nhiều việc cần phải làm.

Ngoài ra, Rất nhiều cha mẹ có ý kiến, với giá trị tương đương tại sao không thể dùng bản sao giấy khai sinh hoặc giấy chứng sinh thay cho thẻ KCB khi đưa trẻ dưới 6 tuổi đến các cơ sở KCB. Trong khi đó, chúng ta lại phải cần đến một bộ máy cồng kềnh, rất tốn kém về kinh phí để làm công việc in ấn, cấp phát và thu hồi thẻ.

Chẳng ai thích mất tiền trong khi được hưởng quyền lợi, nhưng chính những vấn đề rườm rà, cứng nhắc trong việc thực hiện thủ tục KCB đã khiến nhiều người “quay lưng” lại với tấm thẻ miễn phí. Đó cũng chính là lý do vì sao số trẻ sử dụng thẻ khám chữa bệnh miễn phí rất thấp.

Dưới đây là hình ảnh ghi được tại Bệnh viện Nhi Trung ương

Phần lớn cha mẹ đưa con thẳng đến phòng khám tự nguyện


Nơi mua sổ, đăng ký số để khám tự nguyện cho trẻ


Nơi xếp hàng nộp tiền khám tự nguyện luôn đông đúc


Cha mẹ sẵn sàng ngồi đợi để khám tự nguyện cho con


Tại phòng lấy máu xét nghiệm cho trẻ

Theo VnMedia