Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Bé khỏe hơn nhờ đi nhà trẻ


Gửi con tới nhà trẻ để chơi nhóm với các bạn cùng lứa từ lúc mới được vài tháng tuổi có thể giúp bé ngăn ngừa bệnh máu trắng.
Bệnh máu trắng, còn được gọi là ung thư bạch cầu, là một dạng ung thư của các tế bào bạch huyết non. Bệnh rất phổ biến ở trẻ từ 2 đến 4 tháng tuổi. Có tới 85% số ca bệnh thuộc ung thư bạch cầu dạng nguyên bào lympho cấp (ALL), số còn lại bị ung thư bạch cầu dạng tuỷ cấp (AML).

Các nhà khoa học lâu nay rất băn khoăn về cái đã “châm ngòi” gây phát bệnh máu trắng. Nhiều nghiên cứu đã không ngoại trừ cả sự tiếp xúc với phóng xạ từ môi trường. Trong một nghiên cứu quy mô nhất từ trước tới nay của Anh về bệnh bạch cầu ở trẻ kéo dài suốt 15 năm, người ta phát hiện ra bệnh khởi nguồn từ trong bào thai, khi mà các nhiễm sắc thể bị đứt gãy và gây đột biến gene. Sau khi trẻ chào đời, đột biến này kết hợp với sự nhiễm trùng nào đó, gây kích thích một phản ứng miễn dịch và cuối cùng phát bệnh máu trắng.

Nghiên cứu trên có sự tham gia của hơn 6.000 trẻ trong độ tuổi 2-14 không bị ung thư và hơn 3.000 em bị bệnh máu trắng, trong đó có khoảng 1.200 em mắc dạng ALL. Cha mẹ của số trẻ này được hỏi về mức độ giáo tiếp xã hội và đi nhà trẻ của các con trong năm đầu tiên.

Kết quả cho thấy, sự gia tăng về mức độ giao tiếp xã hội có liên quan với sự giảm thiểu nguy cơ phát triển bệnh ung thư bạch cầu dạng ALL. Nguy cơ giảm nhiều nhất - 52% - được ghi nhận ở những em đi nhà trẻ đều đặn trong vòng 3 tháng tuổi. Trong khi đó, những bé thỉnh thoảng được gửi bạn bè của cha mẹ hoặc họ hàng trông nom giảm 38%. Còn những em có tham gia một số hoạt động giao tiếp, song không tới nhà trẻ, thì chỉ giảm 27%. Khoảng 86% số phụ huynh của những trẻ khỏe mạnh đều khẳng định bé đã được chơi nhóm với bạn cùng lứa từ lúc chưa tròn 1 tuổi.

"Sớm tiếp xúc với các bệnh truyền nhiễm thông thường qua các giao tiếp xã hội là một cách phòng bệnh bạch cầu hiệu quả”, giáo sư Mel Greaves, trưởng nhóm nghiên cứu Viện Ung thư London kết luận.

Theo Greaves, quá trình hình thành bệnh máu trắng ở trẻ rất kỳ lạ. Đầu tiên là một đột biến gene xảy ra khá phổ biến từ khi đứa bé còn là bào thai. Sau khi chào đời, khoảng 1% số trẻ mang đột biến này đã bị một kích thích nào đó gây đột biến lần hai trên chính những gene bệnh. Ngày càng nhiều bằng chứng khoa học cho thấy sự kích thích đó chính là bệnh lây nhiễm. Do đó, hệ miễn dịch rất cần tiếp xúc và làm quen với các bệnh truyền nhiễm thông thường từ rất sớm để không bị tấn công đột ngột, gây phản ứng mạnh và kích thích khởi phát bệnh máu trắng sau này.

Theo VnExpress