Khi những gian hàng bánh trung thu, đèn lồng mọc lên đầy các dãy phố cũng là lúc trẻ em háo hức đón chờ Tết Trung Thu.
Tết Trung Thu, đó là một ngày giữa tháng 8 âm lịch, khi mà mặt trăng tròn nhất, sáng nhất, người lớn thường chuẩn bị cho trẻ những mâm cỗ trái cây, bánh kẹo, những chiếc đèn lồng xinh xắn, những bài hát, múa, diễn kịch về chú Cuội, chị Hằng v.v…để trẻ được vui chơi, hát múa “phá cỗ trung thu” và tuổi thơ của trẻ sẽ đầy ắp những kỷ niệm tươi vui. Lại nói về chiếc lồng đèn, ngày xưa, lồng đèn cho trẻ chơi thường là những chiếc lồng đèn: “...đèn ông sao với đèn cá chép đèn thiên nga với đèn bươm bướm,....” được làm từ tre và giấy màu, bên trong đốt nến, lung linh huyền ảo. Mỗi ngày, chiếc lồng đèn lại nhiều kiểu dáng hơn, với màu sắc và chất liệu giấy cũng đẹp hơn. Cho đến bây giờ, những chiếc đèn lồng thủ công ấy ngày càng ít đi và thay vào đó là những chiếc đèn điện tử bằng nhựa, có nhạc, đủ hình dáng và màu sắc, lôi cuốn trẻ nhiều hơn, nhưng cũng mất dần sự háo hức, trí tưởng tượng bay bổng và hồn nhiên của trẻ. Những mâm cỗ trung thu giờ đây cũng mỗi ngày một vắng bóng. Bận rộn với công việc, ba mẹ không có thời gian tỉ mỉ làm lồng đèn thủ công cho con, thay vào đó là những chiếc đèn điện tử. Khái niệm phá cỗ đêm trăng cũng là một cái gì đó xa vời và lạ lẫm, nhất là đối với trẻ thành phố. Nhân dịp Tết Trung Thu sắp đến, để tìm lại không khí của ngày xưa, website mầm non xin giới thiệu đến các cô giáo mầm non, các bậc phụ huynh một vài kiểu lồng đèn bằng giấy đơn giản, dễ thực hiện. Tuy không đẹp lộng lẫy và hiện đại nhưng những chiếc lồng đèn mà website mầm non giới thiệu rất xinh xắn, đáng yêu và dễ làm, rất hợp với bé lứa tuổi mẫu giáo. Bên cạnh đó, cô (phụ huynh) và bé có thể cùng làm nên những chiếc lồng đèn dễ thương này, không chỉ cho bé sử dụng mà cô còn có thể trang trí trong lớp, tạo không khí về một ngày hội trăng rằm cho bé ở trường. Một buổi sáng chủ nhật hoặc một buổi tối rảnh rỗi, ba mẹ và bé cũng có thể cùng nhau làm một chiếc lồng đèn nhỏ xinh xắn từ những tờ giấy nhiều màu sắc. Những chiếc lồng đèn làm được không chỉ là một loại đồ chơi đêm trung thu mà còn mang rất nhiều ý nghĩa đối với bé: đó là không khí đầm ấm trong gia đình, sự gắn bó giữa các thành viên, bé cảm nhận được tình cảm của người lớn dành cho bé khi cùng làm lồng đèn, rèn luyện sự kiên trì và khéo léo, trò chuyện với bé về ngày tết trung thu…. Và quan trọng hơn hết, khi cầm chiếc lồng đèn bé có thể tự hào vì đây chính là sản phẩm do chính bé tạo ra. Còn gì hạnh phúc bằng, khi đêm trung thu bé đi khoe với các bạn hàng xóm rằng: lồng đèn của tớ là do ba mẹ tớ cùng làm với tớ đấy!!! ( Các bạn có thể tham khảo các bước làm lồng đèn trong http://www.mamnon.com/multimedia/Content.aspx?topicID=17890.) Trúc Giang mamnon.com |