Vất vả đầu năm học và những đứa trẻ đặc biệt. Năm học này, được sự tín nhiệm của cấp trên và đồng nghiệp, tôi nhận một lớp điểm của khối mẫu giáo lớn.
Điều đầu tiên tôi nhận thấy ở lớp của mình có khá nhiều học sinh “đặc biệt”, các bé có những biểu hiện rất không bình thường khiến tôi nghĩ ngay đến chứng tự kỷ ở trẻ em. Một cậu bé thường xuyên hét lên trong giờ ngủ của lớp, một cặp song sinh không nói không cười, một cô bé luôn luôn vận động hoặc cấu chí các bạn, không bao giờ ngồi yên,…những biểu hiện ấy buộc cô giáo phải nghĩ đến chứng tự kỷ ở trẻ em. Tra cứu trên mạng, phúc đức, không bé nào bị xếp vào loại tự kỷ cả. Mừng quá! Vậy các bé đó không phải bệnh nhi tự kỷ, chỉ còn là học sinh cá biệt thôi . Học sinh cá biệt, nghe thấy đơn giản hả các bạn? Đó không chỉ là một từ thông thường, nó là một nỗi nhọc nhằn mệt mỏi với các cô giáo. Các bé luôn cần một sự quan tâm đặc biệt của các cô. Cặp song sinh ít nói luôn được gọi lên trả lời câu hỏi của cô, buộc các cháu phải tìm từ để diễn đạt suy nghĩ của mình mà trả lời. Các cháu tuy chậm chạp hơn bạn bè nhưng khá ngoan, có ý thức và chắc cuối năm chắc chắn sẽ theo kịp các bạn để vào lớp 1. Bé Quang Anh hôm nọ nghỉ học, bố đến trường mặt mũi ngơ ngác xin phép rằng bé đang ở bệnh viện do nuốt chửng chiếc chìa khóa tủ, chụp phim lên thấy cái chìa khóa to đùng vừa ở dạ dày, lúc nữa đã trôi xuống ruột, không mổ được đang theo dõi. "Giỏi" thật, làm sao mà “ăn” được cái chìa khóa nhỉ? Giỏi hơn nữa cơ các bạn ạ, bé khiến cả nhà thở phào như “gặp may” lúc phát ra tiếng “coong” của cái chìa rơi xuống bô. Mẹ bé khoe cái cái chìa sơ cua cho cô xem, nói cái kia đang treo trong nhà làm kỷ niệm. Bắt tay chúc mừng bà mẹ tốt phúc, tôi nói đùa: “Này, nếu nuốt phải chìa khóa của cô thì chắc 2 cô nổi tiếng lắm mẹ Quang Anh nhỉ?” Lúc sau cô giáo cùng lớp tên là Hà thầm thì: “Chị, mẹ cháu này năm ngoái dọa đưa cô giáo sinh thực tập lên báo vì nhéo tai con đấy”. Hành động dại dột của Quang Anh được cô đưa ra “thảo luận rút kinh nghiệm trong tập thể” để phòng ngừa các vụ ngậm nuốt tương tự. Các bé cũng nghịch ngợm không kém các anh chị lớn đâu nhé Ai đã từng xem phim hoạt hình: Con ma Casper chưa? Thấy hình ảnh lúc kinh hoàng thì hai con mắt phải được cho nhảy tưng ra ngoài đến nửa mét không? Hai con ngươi của tôi nó cũng y như thế khi mà học trò mách có bạn vừa nhổ nước miếng vào tô canh. Vụ việc này được giải quyết khác vụ trước, kín đáo hơn vì quả là tôi không muốn “gây dư luận xấu”. Đây là hành động thật “không giống ai”, không được phép cho các bé khác biết chuyện “kinh dị” này kẻo có bé nào đấy tự nhiên nảy ra ý định thử một lần xem sao thì… Trong lớp còn có bé tên Thái Hà Lê, tên rất đẹp đúng không? Nhưng biệt hiệu mà ở nhà và sau đó các bạn cùng lớp cũng gọi theo là “Sắt”. Trông mặt đã thấy rất là “Sắt” rồi. Hai mắt xếch cao tận thái dương, lúc nào cũng nhìn theo hướng gườm gườm ngước lên, miệng chả bao giờ thấy cười. Bé này nếu tôi và cô Hà không giám sát sàn sạt thì thế nào cũng xảy ra chuyện; bé rất hay cậy lớn để bắt nạt các “đồng môn” mà hậu quả là xây xước, bầm dập, mách mỏ, khiển trách, xin lỗi … Tôi tin rằng nếu trong lớp có đến ba cháu Sắt thì các cô sẽ làm đơn xin giải nghệ ngay lập tức. Có một bé gái khá dễ thương tuy hơi gày gò tên là Dạ Hương, bình thường thì không có vấn đề gì, nhưng tới giờ ngủ, bé vật vã lăn lộn như một con cá lóc quẫy trăng. Chỉ có điều những động tác vặn vẹo ấy diễn ra liên tục đến gần nửa tiếng cho tới khi bé thiếp đi. Sàn lát gỗ nên tiếng đập chân tay của bé xuống nền nghe bồm bộp ảnh hưởng không ít đến giấc ngủ các bé khác. Đã nói với bố cháu mang cho con một cái gì mà bé Dạ Hương hay ôm khi ngủ ở nhà, nhưng cả tuần nay chưa thấy bố mang gì. Cũng trong giờ ngủ trưa, bé Nam hét lên, khóc nức nở và bật dậy vì ngủ mê. Cha mẹ Nam năm ngoái thuê riêng một gia sư tốt nghiệp khoa giáo dục đặc biệt của trưởng Sư phạm để kèm cặp bé. Năm nay việc này các cô giáo miễn cưỡng không gửi gắm cũng tình nguyện làm vì chả muốn giữa trưa cả lớp phải giật mình thức giấc. Hai cô suốt buổi trưa thay phiên nhau ôm cháu này, vỗ về cháu kia chỉ những mong được nghỉ ngơi đôi chút cho đỡ mỏi. … Việc giáo dục học sinh cá biệt hòa nhập tập thể là một việc làm khó khăn và cần nhiều thời gian. Mới bắt đầu đi học được vài tuần, cô giáo chưa hiểu thấu đáo được từng học sinh. Cả cô và cháu đều đang cố gắng để hiểu nhau hơn. Tuy nhiên đa số các bé đều ngoan và rất đáng yêu. Mong sao lớp học nhanh đi vào nề nếp cho các cô đỡ phần nhọc nhằn. Hoàng Vi mamnon.com |