Chọn "công" hay "tư"? Xung quanh khu vực phố Tây Sơn (Hà Nội), nơi chị Nguyễn Thị Nhung, 28 tuổi, đang sống có khá nhiều trường mầm non, đặc biệt là trường mầm non tư thục được quảng cáo khá “um xùm”, nhưng chị đang lúng túng khi chọn cho cô con gái gần 2 tuổi một trường phù hợp. "Trường công mình không thích lắm vì đông quá, với những trường có chút tiếng tăm thì xin vào cũng không dễ. Trường tư thục chất lượng cao nhìn bề ngoài bắt mắt và nghe thông tin quảng cáo cũng hấp dẫn nhưng giá hơi đắt so với tổng thu nhập của hai vợ chồng mình”, chị Nhung nói. Trên trang webtretho (một trang web dành cho các bậc cha mẹ và những người quan tâm đến trẻ) có riêng một diễn đàn để cho các bậc cha mẹ tham khảo, chia sẻ kinh nghiệm chọn trường thích hợp cho con em mình. Hầu hết các bà mẹ ở đây sau khi đi tìm trường cho con đều phải thốt lên câu cảm thán “tìm trường cho con gian nan biết bao!”. Thành viên mecuBo chia sẻ: “Sau khi khảo sát nhiều trường cả công lẫn tư, tôi quyết định cho cháu học trường công vì ở đây lợi thế về mặt bằng, tuy hơi đông. Nhờ vả xin được 1 suất học cho bé, nhưng khi tiếp xúc với giáo viên thấy thái độ hờ hững, khinh khỉnh thì tôi nản quá, quyết định cho bé học trường tư". Sự ra đời của những trường mầm non tư thục đã giải quyết phần nào nhu cầu về lớp học cho trẻ song mô hình này hiện cũng bộc lộ nhiều hạn chế. Hạn chế lớn nhất của nhiều trường tư thục là thiếu không gian chơi cho bé, đa phần đều tận dụng những ngôi nhà cao tầng có sẵn không đảm bảo tiêu chuẩn một trường học. Có những trường mầm non song ngữ chất lượng cao như L.F ở Thái Hà được quảng cáo khá mạnh về chất lượng nhưng phòng cho bé lại khá chật hẹp. Hay như trường T.S ở gần phố Hồ Đắc Di, phòng cho bé hầu như phải đóng cửa suốt ngày vì bước chân ra khỏi cửa là đường. Những câu hỏi lớn về chất lượng Để bù vào việc thiếu hụt không gian, nhiều trường đã lựa chọn cách quảng bá cho trường mình bằng phương pháp giáo dục. Nhưng nhìn chung cũng đều na ná mô hình đào tạo của các trường quốc tế đã có thương hiệu ở Việt Nam như O’Hana, Koalahouse... Phổ biến hiện nay là các trường tư thục đưa ra mô hình đào tạo song ngữ, bên cạnh việc nói tiếng Việt trường còn dạy các em sử dụng tiếng Anh như một ngôn ngữ chính trong giao tiếp. Nhiều trường còn đưa vào những bộ môn năng khiếu như võ thuật, âm nhạc, hội họa, thậm chí cả yoga(?!). Đứng trước những lời quảng cáo na ná nhau rất nhiều bà mẹ tỏ ra bối rối không biết chất lượng thực thế nào. Một mẹ có nick mebetit2 tâm sự trên webtretho: “Một lần đến đón con sớm thì thấy con đang ăn trong bếp, chứ không ăn ở phòng ăn như quy định, bên cạnh bàn ăn đang có một bé đang ngồi ị, giáo viên thì gọi các cháu là con này, thằng này. Thực đơn nghe rất kêu như cá sốt ngũ liễu, canh chua thả giá, nhưng thực chất chỉ có một món cháo nấu ăn cả ngày, ngày nào cũng thế. Chương trình học đọc thì hay nhưng toàn thấy các cô cho các cháu xem ca nhạc hoặc hoạt hình”. Thống kê nhỏ của chúng tôi tại khu vực quận Đống Đa cho thấy, các trường mầm non tư thục “chất lượng cao” đang mọc lên nhan nhản. Trên con phố nhỏ và hẹp như Trung Liệt có tới hai trường; tại ngõ 41 Thái Hà có 4 trường; khu vực gần Hồ Đắc Di có 3 trường; khu Hoàng Cầu có 3 trường, phố Đông Các 2 trường. Giá cả trường tư quá cao so với thu nhập của nhiều gia đình. Mức học phí phổ biến từ 1,2 đến 2 triệu tùy vào độ tuổi của bé; tiền ăn hàng tháng dao động từ 300.000 đến 700.000/tháng. Riêng tiền xây dựng, nhiều trường thu tới gần 2 triệu/năm, như trường C.H ở Trung Liệt. Có lẽ đây cũng là cách để nhà trường giữ chân học sinh khi mà việc cạnh tranh giữa các trường tư hiện nay khá gay gắt(!?). Theo Thanh Niên |