Hướng 'siêu nhân' làm việc tốt Cha mẹ không nên quá lo lắng khi các bé trai mê siêu nhân, mà có thể lợi dụng "tâm lý hình tượng" này để dẫn dắt trẻ tới những điều tích cực.
"Con không mặc áo này! Con mặc bộ siêu nhân cơ" - cu Bi nằng nặc trước giờ đến lớp. Quần áo, giày dép, mũ, ba lô... của cậu bé đều phải có hình siêu nhân. Có lần, Bi mặc một bộ đồ mấy ngày liền không chịu thay vì trên đó có in hình “siêu nhân càng cua” mà bé mê mẩn. Thậm chí khi mẹ đã thuyết phục được mặc bộ khác rồi, một lát sau Bi lại lôi nó từ giỏ đồ bẩn ra mặc lại. Đồ chơi của Bi là một bộ sưu tập siêu nhân đủ loại. Đi siêu thị với mẹ, cậu bé khuân vào giỏ các loại sữa có in hình siêu nhân hay có quà khuyến mãi đính kèm liên quan đến chủ đề này. Không chỉ nói luôn miễng về đề tài ưa thích, Bi còn “cải biên” những câu chuyện mẹ và cô giáo kể, biến các nhân vật chính thành siêu nhân hết, chẳng hạn “siêu nhân Thánh Gióng”. Bi tròn bốn tuổi, cả nhà định trang trí cái bánh kem sinh nhật bằng hoa, người tuyết hay các con giống dễ thương, chẳng hạn hình chú khỉ là con giáp của bé. Nhưng Bi kiên quyết không chịu, mà muốn có hình bốn ông siêu nhân bé mê nhất, với bốn màu khác nhau. Vợ chồng chị Hoa (Hà Đông, Hà Nội) cũng băn khoăn về niềm đam mê thái quá của cậu con trai 5 tuổi đối với siêu nhân. Cu Tí thường xuyên đòi xem phim siêu nhân. Bắt chước nhân vật này, cậu bé đeo kính, rút mảnh vải trùm TV của bà buộc lên cổ làm áo choàng, cầm cây kiếm nhựa nhảy nhót, hò hét loạn xạ. Cu Tí còn bắt bố đóng vai quái vật bắt mẹ mang đi, để bé – siêu nhân xông vào đánh quái vật, cứu mẹ. Hai đấng sinh thành đi làm về, Tí reo: “Con chào bố của siêu nhân, chào mẹ của siêu nhân”. Theo các chuyên gia tâm lý, cha mẹ không nên quá lo lắng về chuyện bé mê siêu nhân, vì đây là tâm lý thường gặp ở các bé trai tuổi mầm non. Dù ở thời nào, bé cũng muốn hướng đến một hình mẫu phi thường nào đó, là biểu tượng chiến thắng của cái thiện, chẳng hạn như Tôn Ngộ Không, Tarzan, Batman… Và sự yêu thích này mang ý nghĩa tích cực. Tuy nhiên, sẽ không tốt nếu trẻ không quan tâm đến cái gì khác ngoài siêu nhân. Trong trường hợp này, theo tiến sĩ Nguyễn Công Khanh (chuyên gia tâm lý Mầm non), cha mẹ cũng không nên cấm đoán trẻ mà nên lợi dụng chính niềm đam mê này để dẫn dắt con đến những vấn đề mà mình muốn hướng tới. Chẳng hạn, nói với bé rằng muốn trở thành siêu nhân thì phải biết giúp đỡ người khác, phải biết tự chăm sóc mình và làm nhiều việc, không hay mè nheo… Bạn cũng có thể phát triển trí tuệ cho con bằng cách trò chuyện, đặt ra những câu hỏi về chủ đề bé thích, chẳng hạn siêu nhân là ai, họ thường làm gì, họ khác người thường và những quái nhân như thế nào, tại sao con thích siêu nhân… Khi suy nghĩ và trả lời, trẻ sẽ phát triển tư duy, khả năng diễn đạt và bày tỏ quan điểm. Ngoài ra, khi chơi với con những trò như vẽ tranh, ghép hình siêu nhân hay trò đóng vai có siêu nhân…, bạn cũng đã có cơ hội rèn luyện các kỹ năng, phát triển thế giới cảm xúc cho bé. Rất nhiều bà mẹ đã thành công trong chuyện dạy con qua siêu nhân, như chị Hường ở Thanh Xuân, Hà Nội. Chị luôn ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của siêu nhân, nhất là những lần cần nhắc nhở con, chẳng hạn: “Siêu nhân không khóc nhè đâu, siêu nhân phải biết nhường đồ chơi cho em nhỏ…”. Cũng nhờ nhân vật tưởng tượng này mà con trai chị giảm được chứng biếng ăn, vì “phải ăn thật nhiều thì mới thành siêu nhân được và phải tự xúc lấy”. Chị Mai (thành phố Hải Dương) thường hỏi con những câu như: “Nếu gặp bà nội đi chợ về xách nặng thì siêu nhân sẽ làm gì nhỉ?”. “Sẽ xách giúp bà ạ” - cậu bé bốn tuổi trả lời ngay. Cứ như vậy, chị uốn con mình thành một cậu bé biết quan tâm giúp đỡ người khác. “Tôi thấy trẻ mê siêu nhân chẳng có gì xấu, thậm chí rất tốt vì điều đó chứng tỏ sự hướng thiện và ước mơ những điều cao cả” – Mai nói. Tuy nhiên, các chuyên gia tâm lý cũng khuyên nên hạn chế những mặt tiêu cực của niềm đam mê siêu nhân, chẳng hạn không để con xem phim quá nhiều, tránh các phim, truyện hay đồ chơi có nội dung bạo lực, kích thích tính hung hãn của trẻ. Theo Đất Việt |