Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Tuổi nào thì nên cho trẻ học chữ


Trẻ em học chữ từ quá sớm (khoảng 3-4 tuổi có thể có các khó khăn trong học tập cũng như có sự không cân bằng trong phát triển tâm lý vì việc học tập đòi hỏi nhiều yếu tố khác nhau như khả năng giao tiếp, khả năng giải quyết vấn đề, khả năng quan sát, chú ý, suy luận, trí nhớ và hứng thú.

Cha mẹ thường lo lắng khi các em không nhớ mặt chữ, viết không đúng đường nét hay ô ly, không đúng trật tự chữ cái, nhiều từ đơn giản nhưng các em vẫn phải đánh vần,… Những trở ngại này có thể do các em chưa chín muồi trong sự phát triển, chưa sẵn sàng tâm lý cho việc học chữ hoặc các em có những khó khăn chuyên biệt do các tổn thương ở một vài trung khu thần kinh điều khiển hoạt động đó trong não bộ.

Qua các bài tập ngôn ngữ như kiểm tra vốn từ, nghe hiểu câu, sắp xếp hình ảnh theo câu chuyện và kể câu chuyện đó, người ta có thể đánh giá được khả năng ngôn ngữ nói của trẻ. Nếu các em nói chưa lưu loát, phát âm ngọng nghịu, vốn từ nghèo nàn, khả năng lập luận hay kể chuyện còn rất hạn chế, việc học chữ của các em sẽ gặp khó khăn. Bởi vì, theo các nhà tâm lý học ngôn ngữ, khả năng về ngôn ngữ nói (nghe hiểu-diễn đạt) và vốn từ trong những năm đầu đời có ảnh hưởng lớn đến khả năng nắm bắt ngôn ngữ viết (đọc hiểu-viết) của trẻ về sau.

Nghe - nói - đọc - viết
Trẻ em đã tiếp nhận ngôn ngữ từ trong bụng mẹ. Từ tháng thứ 4, trẻ đã có thể nghe được âm thanh bên ngoài. Ngay từ khi mới chào đời, trẻ đã phân biệt được tiếng người nói và tiếng động khác. Vài ngày sau, trẻ phân biệt được tiếng mẹ đẻ với các thứ tiếng khác. Người ta ghi nhận trẻ bú nhiều hơn khi nghe đoạn băng ghi âm tiếng nói của người mẹ và chúng cũng có phản ứng tích cực khi nghe lại câu chuyện hay bài hát mà trong quá trình mang thai người mẹ cho chúng nghe.

Tiếp theo đó, trẻ tiếp nhận ngôn ngữ và thông tin về thế giới bên ngoài thông qua 2 kênh chính, đó là thính giác và thị giác hình ảnh. Trước khi trẻ biết nói, trẻ đã có vô số hình ảnh và âm vị trong đầu. Âm vị là âm thanh trên phương diện ngôn ngữ, được phát ra để biểu thị cho một từ, một vật nào đó (VD: âm /li/ với hình ảnh cái ly). Qua tương tác với cha mẹ, mọi người xung quanh, kho từ vựng của trẻ ngày càng phong phú. Nhờ sự hỗ trợ của người lớn cũng như sự phát triển tâm lý theo thời gian, trẻ bắt đầu nói những từ đầu tiên, tập phát âm đúng từ, đúng ngữ pháp, từng bước diễn đạt nhu cầu và suy nghĩ của mình cho phù hợp với tình huống.

Bên cạnh đó, nhiều nghiên cứu cho thấy việc đọc truyện và rèn luyện kỹ năng giao tiếp bằng ngôn ngữ nói hàng ngày ở nhà và ở trường mẫu giáo sẽ giúp trẻ thuận lợi hơn trong việc học chữ, sớm biết đọc hơn các trẻ khác. Trẻ càng tiếp xúc nhiều với sách truyện thì càng phát triển ngôn ngữ. Thật vậy, những truyện kể đơn giản, nhiều màu sắc không chỉ cung cấp cho trẻ biểu tượng hình ảnh mà trẻ còn được tri giác cùng lúc âm vị, hình nét chữ, vốn từ, cấu trúc câu và đặc biệt là ngữ cảnh của câu chuyện đó.Khi trẻ nghe hay nhìn một từ có nghĩa, nếu từ đó đã có trong kho từ vựng của trẻ về cả ba biểu tượng như âm vị, ngữ nghĩa và hình nét chữ, trẻ sẽ nắm bắt từ đó nhanh hơn. Ví dụ trẻ sẽ nắm từ “con chó” nhanh hơn từ “con hươu” vì các em được tiếp xúc nhiều hơn. Điều này không phải khó hiểu, chúng ta có thể hình dung, một đứa trẻ sống trong gia đình có cha mẹ là ca sĩ, chúng sẽ có khả năng cảm thụ âm nhạc và học đàn, học hát nhanh hơn những trẻ khác.

Riêng hoạt động học viết, chúng mất nhiều năng lượng hơn, đòi hỏi nhiều kỹ năng phối hợp như khả năng chú ý, phối hợp tay-mắt, nhớ mặt chữ, các đường nét cấu tạo nên chữ đó và trật tự của nó (khởi đầu và kết thúc như thế nào). Vì vậy phải ngồi đồ từ chữ này sang chữ khác, trang này đến trang kia, đối với những trẻ có ít nhiều khó khăn là công việc đau khổ, nhiều em xem đó như một “cực hình”. Để giúp trẻ viết tốt, trước tiên cha mẹ hãy cho các em tham gia các hoạt động sinh hoạt hằng ngày (tự xúc cơm, mặc quần áo, quét nhà, lặt rau…) cũng như chơi các trò chơi phát triển tay-mắt cũng như sự chú ý như ném bóng, xếp hình, vẽ, tô màu, đồ hình, đồ chữ…

Hơn nữa, muốn trẻ làm tốt một hoạt động nào đó, phải hình thành nơi chúng hứng thú cũng như giúp chúng cảm nhận được ý nghĩa của hoạt động đó, tức là trẻ cảm thấy học viết không phải bị bắt buộc mà trẻ muốn tham gia luyện tập để có thể viết được tên mình, tên cha mẹ, các từ trẻ thích… hoặc trẻ thấy được sự cần thiết của hoạt động ngôn ngữ này thông qua những tình huống phải sử dụng việc đọc-viết.

Chính từ những yếu tố này, người ta thấy rằng cho trẻ bắt đầu học chữ khi chúng được 5-6 tuổi là tốt nhất vì lúc này trẻ đã sử dụng ngôn ngữ nói thành thạo và có sự chín muồi trong quá trình phát triển tâm-sinh lý.

Theo VnMedia