Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Khó mua đồ chơi cho trẻ dưới 3 tuổi


Thích thú cầm bộ búp bê barbie lộng lẫy với nhiều phụ kiện như giầy, vòng cổ, vương miện… một món quà tuyệt vời dành cho con gái, nhưng rồi chị Hồng (Gia Lâm, Hà Nội) lại đặt xuống. Bộ đồ chơi ấy không dành cho trẻ ở lứa tuổi con chị.

Lạc giữa hằng hà vô số đồ chơi dành cho trẻ em tại một cửa hàng trên phố Hàng Lược, chị Hồng không thể tìm một món đồ chơi phù hợp cho cô con gái gần 2 tuổi của mình.

Trung thu sắp đến, cũng như bao bậc cha mẹ khác, chị Hồng muốn tìm một món quà cho bé. Nhưng phải căng hết mắt lên để đọc những dòng ghi chú nhỏ li ti, phần lớn lại bằng tiếng Trung và tiếng Anh, chị cũng chỉ tìm thấy vài đồ chơi dành cho trẻ dưới 3 tuổi: những con vật ngộ nghĩnh bằng nhựa, chạy bằng pin, có thể phát sáng và nhạc.

Không chỉ riêng chị Hồng, nhiều bậc phụ huynh cũng gặp khó khăn tương tự. Dọc các phố như Hàng Lược, Hàng Mã, Chả Cá, Lương Văn Can… có nhiều cửa hàng bán đồ chơi, nhưng lại rất hiếm đồ chơi cho trẻ lứa tuổi này.

Trong cửa hàng đồ chơi này (trên phố Lương Văn Can, Hà Nội),
đa số là dành cho trẻ lớn. Ảnh: Nam Phương.

Bà Ánh, chủ một cửa hàng bán đồ chơi trên phố Chả Cá cho biết, ở độ tuổi này đồ chơi của bé thường phải đủ lớn để bé không thể cho vào miệng, đặt lên mũi, cho vào trong tai dễ gây nguy hiểm, lại không dễ vỡ thành nhiều mảnh nhỏ, yêu cầu độ an toàn cao. Như chú vịt bằng nhựa, có thể di chuyển, phát sáng và có nhạc, mặc dù nhà sản xuất ghi rõ là dành cho trẻ trên 2 tuổi, nhưng ít phụ huynh chọn mua, vì chạy bằng pin dễ bị long ra khi bé chơi nên không an toàn.

Còn theo chị Lan, bán đồ chơi ở phố Lương Văn Can, “vì lý do an toàn mà các bậc cha mẹ thường rất đắn đo khi mua đồ chơi cho trẻ nhỏ. Vì thế tôi cũng không nhập nhiều loại đồ chơi cho lứa tuổi này, ngoài mấy loại thú nhồi bông ra, cũng chỉ có vài con vật bằng nhựa cứng”.

Ngoài những cửa hàng này, cha mẹ có thể đến các shop chuyên về đồ chơi. Tại đây bé có nhiều đồ chơi phù hợp với lứa tuổi hơn, nhưng vì phần lớn là hàng nhập ngoại đắt tiền nên chỉ một số ít phụ huynh mua được.

Chẳng hạn, bong bóng chơi trong phòng làm bằng chất liệu cao su, có thể bơm căng to nhỏ tùy vào trẻ có giá 40.000 đồng một quả. Bộ đồ chơi Lâu đài màu sắc của hãng Toys, giúp bé nhận biết màu sắc, hình khối, tập xếp hình giá 335.000 đồng. Hay như bộ đồ chơi xếp hình của hãng Lego có giá từ 900.000 đồng đến hơn 1 triệu.

Vì không thể mua được đồ chơi phù hợp với giá cả phải chăng nên nhiều bậc cha mẹ đành mua đồ chơi của trẻ lớn và dạy bé chơi theo cách của riêng mình.

Chị Thanh (Đống Đa, Hà Nội) chọn mua cho cậu con trai 2 tuổi bộ đồ xếp hình lâu đài dành cho trẻ lớn. "Với những bé ở tầm tuổi này, để xếp đúng như hình mẫu là rất khó. Vì thế tôi mua về chỉ để giúp cháu làm quen với màu sắc và hình khối, còn bé sẽ tự do xếp theo trí tưởng tượng của mình”, chị nói.

Tự tạo đồ chơi cho bé là cách của chị Hương (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Chị cắt những bức ảnh nhiều màu sắc trên các tạp chí, catalogue, rồi bảo bé sắp xếp thành những cặp giống nhau: hai mặt người, hai con mèo, hai đoàn tàu… Cách này giúp bé phát triển trí thông minh, mà lại không tốn tiền.

Theo bác sĩ Phương Thanh, Trung tâm Tư vấn 1088, thời kỳ trẻ vừa lọt lòng mẹ đến tuổi đi nhà trẻ là giai đoạn quan trọng nhất. Đồ chơi sẽ giúp bé kích thích trí tò mò, khả năng sáng tạo, trí thông minh.

Nếu không mua được đồ chơi đúng tuổi, cha mẹ có thể mua cho bé những đồ chơi của trẻ lớn hơn, và dạy cho bé theo cách của mình, như cách nhận biết màu sắc và hình khối. Không nên ép bé phải xếp đúng theo hình mẫu, mà để bé xếp theo trí tưởng tượng. Cha mẹ chỉ ở bên động viên, khuyến khích bé.

Tuy nhiên cha mẹ cũng phải chú ý không mua những đồ chơi dễ vỡ để lộ dây điện bên trong, có cạnh sắc, đầu nhọn có thể làm bé bị thương, hoặc những món đồ quá nhỏ dễ nuốt. Bé ở độ tuổi này có thói quen cho đồ chơi vào miệng ngậm nên các bậc phụ huynh nên chọn những đồ chơi an toàn, không chứa các chất gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bé.

Theo VnExpress