Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

9 cách giúp mắt trẻ sáng khoẻ


Mắt bé sẽ không bị mỏi, mệt, bị cận nếu bạn biết chú ý từ những cái rất nhỏ như chỗ ngồi, ánh sáng, kích cỡ bàn ghế phù hợp… 9 cách dưới đây sẽ giúp cho trẻ có một đôi mắt khoẻ. 1. Bảo đảm đủ ánh sáng khi học: Nên dùng đèn điện dây tóc có chụp phản chiếu. Góc học tập bố trí gần cửa sổ. ánh sáng phải chiếu từ phía trước mặt lại hoặc từ bên trái sang. Không nên ngồi sấp bóng. 2. Kích thước bàn ghế phù hợp theo quy định về vệ sinh trường học của Bộ Y tế. Nếu trẻ mới học Tiểu học mà cho ngồi bàn ghế của người lớn, tầm nhìn của trẻ sẽ rất gần với vở. 3. Tư thế ngồi học đúng. Ngồi thẳng lưng, hai chân khép, hai bàn chân để ngay ngắn sát nền nhà, đầu cúi 10-15 độ. Khoảng cách từ mắt đến sách vở trên bàn học là 25cm đối với học sinh tiểu học, 30cm đối với học sinh THCS, 35cm đối với học sinh THPT và người lớn. 4. Chữ viết đúng quy cách. Chữ viết trên bảng và trong sách vở phải rõ nét. Chiều cao ít nhất của chữ viết là 1/200 khoảng cách từ mắt tới chữ. Không viết mực xanh lá cây, mực đỏ. Không đọc sách có chữ quá nhỏ in trên giấy tối màu. 5. Chế độ nghỉ ngơi mắt hợp lý. Khi học ở nhà, cứ sau 1 giờ lại nghỉ giải lao 5-10 phút. Khi xem tivi không nên ngồi quá gần hay quá xa màn hình. Không xem tivi quá 45 - 60 phút mỗi lần xem. Có thể luyện cho trẻ nhìn vào một điểm ở xa để giúp thư giãn mắt. 6. Sử dụng máy vi tính hợp lý. Vị trí đặt máy vi tính và tư thế của trẻ phải được bố trí phù hợp. Khoảng cách giữa màn hình máy vi tính và mắt trẻ phải hợp lý. Có chế độ nghỉ ngơi hợp lý cho mắt, không nên sử dụng máy vi tính quá nhiều. Nên dùng màn chắn trước máy vi tính. 7. Bảo đảm chế độ học tập, sinh hoạt. Có thời gian sinh hoạt ngoài trời hàng ngày để mắt được điều chỉnh cho thích hợp với môi trường. Cần bảo đảm ngủ 8-10 giờ/ngày. Không nằm, quỳ để đọc hoặc viết bài. Không đọc khi đang đi trên ôtô, tàu hỏa, máy bay. 8. Khám mắt định kỳ. Nên cho trẻ em khám mắt định kỳ 6 tháng một lần tại các cơ sở chuyên khoa hoặc khi thấy trẻ có những dấu hiệu sau: nhìn xa không rõ, thấy chữ viết hoặc hình vẽ trên bảng mờ mờ. Hay quay hoặc nghiêng đầu, nheo mắt hay khép, che một mắt để nhìn. Cúi đầu sát xuống cuốn sách hay bàn khi đọc hoặc viết. Chớp hay dụi mắt quá mức. 9. Bổ sung dưỡng chất và vitamin cho mắt mỗi ngày. Cần ăn nhiều hoa quả để bổ sung đầy đủ các sinh tố cần thiết cho mắt hoạt động tốt như các vitamin A, E, C, nhóm B... Thuốc bổ mắt cũng giúp ngăn ngừa và điều trị tình trạng mỏi mắt, hoa mắt... để trẻ luôn có đôi mắt sáng khỏe và thành công trong học tập. Theo Khuyến học và Dân trí