Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Đừng để con bạn sợ đến trường


Trong thời gian gần đây có khá nhiều trẻ nhỏ có những triệu chứng rối nhiễu tâm lí "sợ trường học" ở các mức độ khác nhau. Hiện tượng rối nhiễu tâm lí này ngày càng trở nên phổ biến ở trẻ em độ tuổi bắt đầu đến trường, nhưng nó lại chưa đựơc hiểu và quan tâm đúng mức.

Sợ đến trường là một rối nhiễu tâm lí không có nguyên nhân thực thể. Đây là hiện tượng trẻ em lo lắng, căng thẳng, sợ hãi, thậm chí trốn tránh, chống đối việc đến trường. Hiện tượng rối nhiễu tâm lí này thường gặp ở trẻ em có độ tuổi từ 3 - 7 tuổi, lứa tuổi trẻ bắt đầu làm quen với trường học (trường mầm non, trường tiểu học). Đây cũng là giai đoạn hình thành nhân cách lần thứ nhất ở trẻ, trẻ ở lứa tuổi này rất nhạy cảm với mọi sự thay đổi xung quanh, những sự việc xảy ra ngoài dự đoán của trẻ làm trẻ không kiểm soát được dễ gây nên tâm lí căng thẳng, lo âu, nếu để tình trạng này kéo dài thì sẽ dẫn đến các rối nhiễu tâm lí. Trẻ sợ đến trường là một ví dụ điển hình cho sự thay đổi môi trường xung quanh.

Bản chất của rối nhiễu tâm lí " sợ đến trường" là do sự kém thích nghi của trẻ đối với các mối quan hệ ở nhà trường và áp lực học tập. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc sợ hãi, chối bỏ việc đến trường, và sau đây là các nguyên nhân cơ bản nhất:
  • Sự thay đổi môi trường quá đột ngột khi tâm lí của trẻ chưa sẵn sàng, trẻ bị tách rời khỏi bố mẹ cả ngày, bị gò bó trong môi trường lớp học
  • Chương trình học quá nặng và căng thẳng khiến cho trẻ không theo kịp
  • Bị cô giáo mắng, đánh đòn hoặc trông thấy cô giáo phạt, đánh các bạn khác
  • Bị các bạn trêu chọc, đe doạ
  • Do bản tính trẻ nhút nhát
  • áp lực nặng nề từ việc ăn uống ở trường
  • Nguyên nhân từ phía gia đình, cha mẹ quá lo lắng cho việc đi học của con đã kéo theo sự lo lắng, ám ảnh sang trẻ
Khi thấy con mình có một hoặc vài biểu hiện sau đây thì các bậc cha mẹ cần đặc biệt chú ý, không được coi thường vì rất có thể con bạn đang bị rối nhiễu tâm lý dẫn đến sợ trường học.
  • Trẻ trở nên căng thẳng, lo âu khi nói đến việc đi học
  • Trẻ cố tình trì hoãn, trốn tránh việc đến trường vào các buổi sáng, thậm chí có những em còn có triệu chứng như : run rẩy, sợ sệt, nói lắp, toát mồ hôi ...mỗi khi chuẩn bị đến trường hoặc bị cô giáo gọi lên bảng
  • Trẻ học hành sa sút, không tập trung, luôn khép kín, nhút nhát hơn so với trước đây
  • Trẻ thường xuyên mất ngủ, kém ăn, sút cân, ngủ mê, hay giật mình...
  • Sợ đi học, nói dối để được nghỉ học, thậm chí công khai cự tuyệt việc đến trường. Nếu cha mẹ ép trẻ đến trường thì trẻ rất miễn cưỡng, có trường hợp trẻ khóc thét, đau bụng từng cơn, co giật...
Phần lớn các bậc phụ huynh khi thấy con mình có các biểu hiện như trên thì đều cho rằng trẻ đang mắc một chứng bệnh lí nào đó hoặc nghĩ rằng cơ thể trẻ đang thiếu một loại chất, vitamin nào đó, do vậy họ đã đưa con đến bác sĩ và cho trẻ uống rất nhiều thuốc bổ, vitamin...Nhưng sau một thời gian thì tình trạng của trẻ không hề suy giảm mà ngày càng trầm trọng hơn. Nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời, để các rối loạn stress này kéo dài và liên tục sẽ gây ảnh hưởng xấu đến kết quả học tập, sức khoẻ, sự hoà nhập xã hội cũng như sự phát triển nhân cách của trẻ sau này, trẻ sẽ nhút nhát, tự ti hoặc phát triển theo chiều hướng bướng bỉnh, cứng đầu, hay chống đối...

Khi thấy con mình có các biểu hiện như trên, nếu các bậc phụ huynh đưa trẻ đến khám ở các bệnh viện thì trong đa số trường hợp bác sĩ sẽ không phát hiện ra bất kì bệnh lí nào trên cơ thể, bởi hiện tượng rối nhiễu tâm lí này không có nguyên nhân thực thể. Do đó các bậc cha mẹ nên đưa con đến các trung tâm tham vấn, trị liệu tâm lí trẻ em để được giúp đỡ. ở đây các chuyên gia tâm lí sẽ xác định rõ hơn tình trạng của trẻ và có những biện pháp can thiệp tốt nhất. Chỉ có các biện pháp trị liệu tâm lí mới thực sự có ích cho trẻ trong các rối loạn này. Đặc biệt, cần có sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường và bác sĩ tâm lí, bởi vì nếu trẻ được điều trị mà môi trường sống và học tập không thay đổi thì các triệu chứng rối nhiễu khó giảm đi, thậmPhòng chí khi trẻ khỏi bệnh nhưng môi trường không có những tác động tích cực, những áp lực tâm lí vẫn nặng nề đối với trẻ thì các rối nhiễu tâm lí sẽ tiếp tục tái phát.

Nếu con bạn đang gặp khó khăn về tâm lí hãy liên lạc: Phòng tham vấn trị liệu tâm lí trẻ em và gia đình CPEC qua đường giây tư vấn điên thoại 04 - 1088 - 1 - 11 Tư vấn tâm lý trẻ em và gia đình CPEC hoặc liên hệ tư vấn trực tiếp tại số 25/11 ngõ 278 Tôn Đức Thắng, Đống Đa, Hà Nội, điện thoại: 04 5132766 các chuyên gia tâm lí trẻ em, các nhà giáo dục giàu kinh nghiệm chuyên môn luôn chia sẽ khó khăn với bạn.

Nguồn: Phòng Tham vấn Tâm lý Trẻ em và Gia đình CPEC