Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Đồ chơi trẻ em: "Kẻ thù" trước mặt


Gần như 100% đồ chơi bán trên thị trường là hàng Trung Quốc.
Súng bắn đạn có thể gây mù mắt, phi tiêu có thể gây sát thương, đồ chơi trẻ em (ĐCTE) nhiều kim loại nặng độc hại... Theo nhận định ban đầu của các nhà khoa học thì gần như 100% các loại ĐCTE đều gây nguy hại trực tiếp hoặc gián tiếp đến sức khoẻ.

Tuy nhiên, trong khi các cơ quan quản lý "bó tay" trong việc kiểm soát thì hằng ngày, người dân và TE vẫn chơi những đồ chơi độc hại.

"Làm bạn" với "kẻ thù"
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Lao Động và theo đánh giá từ Bộ KHCN thì trên toàn lãnh thổ VN, đồ chơi Trung Quốc tràn ngập. Đáng lưu ý trong số này, chỉ có tỉ lệ rất nhỏ là có nguồn gốc, xuất xứ. Tuy nhiên, 100% loại đồ chơi này không hề được kiểm tra, kiểm soát và đánh giá về tiêu chuẩn chất lượng. Chính vì thế mà không chỉ riêng ở các thành phố lớn, mà cả những làng quê xa xôi, loại đồ chơi này chiếm lĩnh gần như 100% thị trường. Một chuyên gia của Bộ KHCN cho biết: Đối với những loại súng bắn đạn, phi tiêu, tia laser... thì mức độ nguy hại có thể nhìn thấy ngay. Nhưng đối với đồ chơi có màu sắc sặc sỡ, có thuỷ ngân, dung dịch... thì đấy thật sự là ẩn hoạ.

Tuy nhiên, có thể nói gần như 100% TE VN đang phải "làm bạn" với loại "kẻ thù" này. Tháng 12.2007 tại Thanh Hoá, 22 học sinh đã có triệu trứng đau đầu, chóng mặt, một số ca buồn nôn, tức ngực và khó thở và bất tỉnh sau khi chơi túi đồ chơi "hạt nở". Đây là loại đồ chơi chỉ có giá 1.000đ/túi, ban đầu hạt nhỏ bằng trứng cá, sau khi ngâm nước thì nở to và có nhiều màu sắc. Còn tại Bệnh viện Nhi T.Ư thì hầu như tháng nào cũng có trường hợp tai nạn về mắt do đồ chơi như súng, phi tiêu, pin đồ chơi nổ... gây ra.

Hay như Trung tâm Chống độc BV Bạch Mai gần đây đã phải liên tục khuyến cáo không nên cho TE chơi đồ chơi có vật liệu nhựa mềm dẻo. Theo phân tích thì trong đồ chơi hiện nay, để tăng độ dẻo nên nhà sản xuất thường sử dụng hoá chất, trong đó có chất BBP có thể gây độc. Một số hoá chất có màu và kim loại nặng như thuỷ ngân, chì... thì có khả năng gây ung thư, ảnh hưởng đến hệ tiêu hoá, thần kinh...

* Gần 100% đồ chơi trẻ em có xuất xứ từ Trung Quốc.
* Sẽ kiểm tra các điểm nóng đồ chơi trẻ em.
Quản lý - vấn đề bị bỏ ngỏ
Thực tế, liên tiếp cả chục năm nay dư luận và các nhà khoa học đã lên tiếng cảnh báo vấn đề này. Tuy nhiên, trong khi các cửa khẩu bất lực trước nạn buôn lậu ĐCTE thì những người dân thiếu ý thức lại "nhập khẩu độc hại". Đáng lo ngại hơn thế là các cơ quan kiểm soát nội địa cũng buông xuôi, trong khi cơ quan quản lý chất lượng thì cũng bỏ mặc. Dù đã qua rất nhiều lần "hội thảo" về sự nguy hiểm, độc hại từ ĐCTE, song cho đến nay, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn ĐCTE vẫn chỉ là dự thảo; trong đó, mỗi khi dư luận dấy lên cảnh báo thì các cơ quan chức năng lại đi kiểm tra và "bắt cóc bỏ đĩa". Hệ lụy tất yếu là người dân - đặc biệt là "công dân tương lai" - đang hằng ngày tiếp xúc với độc hại.

Trong thời điểm hiện tại, khi mà Tết Trung thu đến gần thì ĐCTE độc hại không rõ nguồn gốc lại đang ồ ạt vào VN và tràn ngập thị trường. Một lần nữa, các cơ quan quản lý lại "đi tìm cóc". Cụ thể, có chủ trương kiểm tra, kiểm soát ĐCTE trên phạm vi toàn quốc từ tháng 7.2008, thế nhưng cho đến nay hàng loạt các tỉnh, thành vẫn "án binh bất động". Còn theo báo cáo nhanh của Cần Thơ thì kết quả rất "mơ hồ": 98% ĐCTE là đồ nhập ngoại, chỉ khoảng 30% có nhãn mác đúng quy định.

Chiều 26.8, đại diện Bộ KHCN cho biết, các đoàn kiểm tra liên ngành đang kiểm tra tại TPHCM, HN, Đà Nẵng, Hải Phòng... Theo kết quả ban đầu, các vi phạm chủ yếu là: Không ghi địa chỉ nơi sản xuất, không cảnh báo mức độ nguy hiểm. Đoàn kiểm tra cũng lấy mẫu để xét nghiệm hàm lượng kim loại nặng trong ĐCTE. Như vậy có thể nói: Chưa biết đến bao giờ, "trật tự quản lý" ĐCTE mới được thiết lập.

Cẩn trọng với ĐCTE: Đồ chơi có thể dãn nở rất nguy hiểm nếu TE nuốt phải, đồ chơi bạo lực có thể gây tai nạn vì TE không thể làm chủ, đồ chơi dùng điện, pin, thuỷ ngân... có thể gây nổ hoặc tổn hại về da, hệ thần kinh, tiêu hoá.
(Nhóm các nhà khoa học)
Hơn 20% đồ chơi Trung Quốc không đạt tiêu chuẩn: Tháng 5.2007, Cơ quan An toàn NTD Trung Quốc đưa ra thông tin gây sốc: Có đến hơn 20% đồ chơi không đạt tiêu chuẩn cho phép, thậm chí một số đồ chơi do các nhà máy địa phương sản xuất còn tiềm ẩn khả năng gây nguy hiểm cho trẻ khi sử dụng.
(Theo China Daily)

Thu hồi hàng triệu ĐCTE có xuất xứ từ Trung Quốc: Tháng 8.2007, hãng ĐCTE nổi tiếng Mattel (Mỹ) thu hồi 9 triệu ĐCTE do Trung Quốc sản xuất. Trước đó, hãng này cũng thu hồi 1,5 triệu ĐCTE của hãng đặt hàng tại Trung Quốc và đã bày bán tại Anh, Mỹ, Canada...
(Theo MSNBC)

Hoàn thành dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn ĐCTE: Quy chuẩn quy định mức giới hạn các chỉ tiêu chất lượng liên quan đến an toàn, sức khỏe, môi trường; các phương pháp thử tương ứng và các yêu cầu cơ bản đối với quản lý chất lượng ĐCTE sản xuất trong nước, nhập khẩu và lưu thông.

(Bộ KHCN)

Theo Lao Động