Thời gian nào cho trẻ tiếp xúc với ngôn ngữ? Thời gian nào cho trẻ tiếp xúc với ngôn ngữ?
Ông cha ta từng nói : “trẻ lên ba cả nhà học nói”. Có phải rằng khi trẻ lên ba chúng ta mới bắt đầu dạy trẻ về ngôn ngữ. Thật ra, trẻ có nhu cầu về ngôn ngữ từ rất sớm, em bé 2 tháng tuổi có biểu hiện hướng về phía chúng ta khi chúng ta nói chuyện, mà chúng ta hay nói: “trẻ hóng chuyện”. Lúc này trẻ đã nghe được âm thanh và hướng về phía phát ra âm thanh, và đây là bước đầu trẻ làm quen với ngôn ngữ. Trong ba tháng đầu đời của trẻ, trẻ nghe tiếng và giai điệu giọng nói của bạn, và bắt đầu phát ra các âm thanh : a, u, ơ… đầu tiên để đáp lại bạn khi bạn nói chuyện với bé. Càng về sau, bé càng đáp những lời nói dịu dàng của bạn nhiều hơn, bé cười, đáp lại bạn bằng những âm thanh của riêng bé, đây chính là giai đoạn bắt đầu hình thành vùng ngôn ngữ trên não trẻ. Chính vì vậy, trẻ nói sớm hay chậm nói ngoài yếu tố sinh học còn chịu ảnh hưởng rất lớn bởi yếu tố tâm lý và giao tiếp của người lớn đối với trẻ ngay từ những ngày tháng đầu đời. Ngôn ngữ rất quan trọng trong việc giao tiếp, khám phá thế giới xung quanh và phát triển tư duy cho trẻ sau này, vì vậy việc cho trẻ tiếp xúc với ngôn ngữ sớm là điều hết sức cần thiết. Một vài biện phát cho trẻ tiếp xúc ngôn ngữ: Nói chuyện với trẻ: nói chuyện với trẻ ngay từ những tháng đầu tiên của trẻ là việc làm rất quan trọng, những âm thanh dịu dàng, nhẹ nhàng và cử chỉ vuốt ve, âu yếm. Nói chuyện với bé khi cho bé bú, cho bé ăn, khi chơi cùng bé. Bé rất thích thú khi chúng ta đáp lại những âm thanh của bé. Hát cho bé nghe: giai điệu của các bài hát ru, những bài hát thiếu nhi có tác động rất lớn trong việc hình thành vùng ngôn ngữ trên vỏ não trẻ. Trẻ ngoài năm tháng đã có thể phát ra các âm thanh kéo dài với giai điệu khác nhau giống như trẻ đang tập hát: a a à a … Ngoài những lúc hát khi bé ăn, bé chơi, chúng ta còn hát ru bé ngủ. Kể chuyện, đọc truyện cho bé nghe: việc kể chuyện và đọc chuyện cho bé nghe thường xuyên sẽ giúp bé hình thành ngôn ngữ giao tiếp bằng lời và ngôn ngữ mạch lạc. Cung cấp nhiều vốn từ mới cho trẻ: vốn từ của trẻ có phong phú hay không chính là nhờ sự cung cấp vốn từ của người lớn. Cung cấp từ mới khi trả lời các câu hỏi của trẻ, cung cấp từ mới khi cùng với trẻ đi dạo trong công viên, hay cùng chơi trò chơi, kể cho trẻ nghe một câu chuyện…vốn từ càng phong phú thì khả năng học hỏi và diễn đạt của trẻ càng tốt. Khuyến khích trẻ nói: ngoài việc nói chuyện với bé, cần khuyến khích trẻ nói, tạo điều kiện và lắng nghe trẻ nói. Sửa câu chữ cho trẻ: trẻ lứa tuổi nhà trẻ bắt đầu làm quen với ngôn ngữ giao tiếp và ngôn ngữ mạch lạc. Trẻ càng lớn, môi trường ngôn ngữ trẻ tiếp xúc càng rộng: hàng xóm, trường học, nơi vui chơi…vì vậy, chúng ta cần để ý sửa sai cho trẻ về: từ ngữ, ngữ pháp. Dạy trẻ dùng đúng từ và nói đúng câu, sử dụng câu nói đúng đối tượng. Lễ phép trong lời nói với người lớn. Không nên cấm trẻ nói: mỗi khi trẻ nói những từ không hay, từ đệm không có nghĩa, nói sai, chúng ta không nên cấm trẻ: “con không được nói”, vì có thể trẻ chưa hiểu được những từ trẻ nói, điều cần thiết là giải thích một cách đơn giản để trẻ hiểu rằng trẻ không nên nói những từ như vậy. Tránh cho trẻ tiếp xúc với môi trường ngôn ngữ không lành mạnh: trẻ nhỏ đang tập nói bắt chước rất nhanh, cả xấu và tốt, vì vậy hạn chế cho trẻ tiếp xúc với môi trường ngôn ngữ không lành mạnh, hình thành môi trường ngôn ngữ trong sáng ngay từ trong gia đình. Trúc Giang mamnon.com |