Khi tuyển cô bảo mẫu, nhiều nhóm trẻ tư thục không yêu cầu bằng cấp mà chỉ cần 'năng lực' duy nhất là có thể ép ăn và làm cho các cháu sợ.
Ngày 15/8, trong vai một người đi xin việc làm, phóng viên Đất Việt đến một nhóm trẻ tư thục trên đường Văn Cao, quận Tân Phú, TP HCM. Một nữ giáo viên tên Lan, khoảng 40 tuổi, niềm nở: “Ở đây lương không cao nhưng cần người lắm”. Phải biết làm trẻ… sợ Nhóm trẻ này đang nhận giữ hơn 25 cháu từ 1 đến 5 tuổi nhưng chỉ có 3 cô bảo mẫu. Các cô vừa có nhiệm vụ chăm sóc trẻ vừa phải nấu nướng, tắm rửa, cho ăn nên “cần nhận thêm người”. Theo chị Lan, yêu cầu tuyển người ở đây là có sức khỏe và phải biết cho trẻ ăn. Đặt vấn đề về bằng cấp sư phạm và trình độ học vấn, chị gạt đi: “Sư phạm mà làm gì, tôi chỉ cần người có uy, bắt trẻ ăn tốt là được”. Nghe giọng nói và ngắm dung nhan của khách, chị Lan phán: “Em có vẻ không phù hợp với công việc bảo mẫu đâu. Vì nhìn em, chẳng đứa trẻ nào sợ cả”. Quả thực, chứng kiến các bảo mẫu ở đây cho trẻ ăn trưa mới thấy tiêu chí mà L. đưa ra hết sức quan trọng. Các cháu được chia thành ba nhóm, mỗi nhóm một bảo mẫu phụ trách. Họ cứ thế đút thức ăn vào miệng trẻ và các bé đều ăn rất nhanh, tuyệt nhiên không dám "hó hé” gì thêm. Bữa ăn tập thể này kết thúc trong vòng 30 phút. Thích ăn gì thì ăn Nhiều giáo viên mầm non không biết cần cho trẻ ăn gì, dạy như thế nào là phù hợp với sự phát triển của lứa tuổi. Nhóm trẻ tư thục M. ở quốc lộ 50, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh có 6 cô nhưng không ai biết gì về dinh dưỡng hợp lý. Vì thế, khẩu phần ăn của các trẻ ở đây giống với suất ăn công nghiệp. Một cô giáo "tư vấn" dinh dưỡng: “Lúc nào đói thì trẻ sẽ đòi ăn. Trẻ thích ăn gì thì nên cho trẻ ăn thứ đó…”. Một số điều tối thiểu cần thiết cho trẻ như ánh sáng, độ an toàn..., các giáo viên ở cơ sở này hầu như không biết. Ngày 13/8, khi phóng viên có mặt tại đây, khoảng 90 trẻ được ngủ trong phòng kín nhưng không có ai theo dõi, chăm sóc. Với diện tích khoảng 50m², cơ sở này giữ đến 90 bé. Rất nhiều tai nạn từng xẩy ra với trẻ ở trường mầm non tư thục, nhóm trẻ gia đình. Nhưng đến nay, việc giữ an toàn cho trẻ vẫn chưa được chú trọng. Chiều 12/8, tại lớp mầm non tư thục D. ở đường số 5, cư xá Bình Thới, quận 11 có 4 trẻ tự vui chơi mà không có người trông coi. Cơ sở này còn sử dụng hàng loạt đồ chơi tự chế dài và sắc nhọn, vứt bừa bãi rất nguy hiểm. Trẻ được tự do leo trèo lên chiếc cầu thang hình chữ V cao gần 1,5 m nhưng giáo viên không hề lưu tâm. Bà Lê Thị Hồng Liên, Phó giám đốc Sở Giáo dục đào tạo, cho biết toàn thành phố đang thiếu 1.500 giáo viên mầm non. Ngày càng nhiều nhóm trẻ tư thục, nhóm trẻ gia đình hình thành (hơn 800 cơ sở) nên không thể quản lý nổi. Hầu hết giáo viên thuộc các đơn vị này không có kiến thức sư phạm, nhiều trường hợp chưa học đến lớp 9, “mù tịt” với việc nuôi dạy. Bà Nguyễn Thị Kim Thanh - Trưởng phòng Giáo dục mầm non, thừa nhận: “Chỉ mong họ giữ trẻ tốt, chứ đa số giáo viên này đều chưa học đến lớp 9 thì làm sao dạy trẻ được”. Theo Đất Việt |