Công nghệ cao khiến trẻ em thui chột
Theo các chuyên gia tâm lý, việc bị cuốn hút vào các thiết bị công nghệ cao chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc trẻ em ngày nay có nguy cơ mắc phải chứng tự kỷ cao hơn. Nó khiến cho trẻ ít trò chuyện, giao lưu với những người xung quanh và sống khép mình trong thế giới nhỏ hẹp của riêng mình. Giáo sư Susan Greenfield – một trong những chuyên gia hàng đầu về não - khẳng định: “Những bức thư điện tử ngày nay tiện lợi hơn, và được xem trọng hơn việc gặp gỡ trực tiếp hay trò chuyện giữa mọi người. Nó đã và đang chiếm dần môi trường sống của giới trẻ, đồng thời tách chúng ra khỏi thế giới thực của mình”. Theo Greenfield, sự tác động của công nghệ hiện đại khiến cho não bộ có những thay đổi lớn, chẳng hạn như việc những chức năng não ít được sử dụng đến sẽ dần bị thui chột đi. Con người sẽ dần mất đi trí tưởng tượng phong phú, sự sáng tạo và những cảm xúc thông thường nếu như tiếp xúc thường xuyên với các loại máy móc, với công nghệ hiện đại. Cộng thêm một chút thiếu quan tâm của gia đình, chắc chắn những đứa trẻ sẽ phát triển một cách lệch lạc, thiếu hoàn thiện. Thực tế đã chứng minh: số những trẻ em ham mê chơi game đến mức mụ mẫm đầu óc, hoặc bị ám ảnh bởi những hành động bạo lực của trò chơi … đã lên đến con số đáng báo động. Những tác động tới hệ thần kinh của trẻ nhỏ Trong một thí nghiệm về sự tác động của công nghệ thông tin đối với não của những người trẻ tuổi, các nhà khoa học đã thử cho những người tình nguyện tiếp xúc với số liệu trên máy tính liên tục từ 6 đến 9 tiếng. Trước và sau thử nghiệm, não của họ có sự thay đổi rõ rệt. Ngay cả tâm trạng, thái độ của họ cũng có những biến đổi bất thường: khả năng diễn đạt bằng ngôn ngữ và cảm xúc của mỗi người đều bị giảm đi nhiều, thay vào đó, họ có biểu hiện làm việc giống như một cỗ máy hơn là một con người. Đây rõ ràng là do sự tác động của môi trường hoạt động mà họ đã tiếp xúc. Ở những người chơi game nhiều, thời gian tiếp xúc với các hoạt động thực tế ở thế giới bên ngoài ít hơn, họ học hỏi được ít kỹ năng sống hơn và tất nhiên, kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống cũng bị hạn chế rõ rệt. Đây chính là lý do khiến cho thanh niên ngày nay ít quan tâm đến tình cảm của những người xung quanh hơn, và thường tỏ ra thờ ơ với những việc diễn ra trong cuộc sống. Ngoài ra, theo giả thuyết của giáo sư Green, nguyên nhân của việc những người trẻ tuổi nghiện game thường có thái độ cư xử bất thường là do một hoá chất tự nhiên trong não có tên gọi dopamine - là yếu tố góp phần tạo nên cảm giác hưng phấn khi người ta đạt được mục đích. Nồng độ dopamine giảm xuống khi con người ở trong trạng thái thất vọng, chẳng hạn như việc chờ đợi một cuộc điện thoại trong vô vọng (tương tự như trạng thái tâm lý khi thất bại trong một trò game). Khu vực não chịu tác động chủ yếu của dopamine là vùng vỏ não trước (phần trán) – liên quan tới thái độ cư xử ở con người. Khi nồng độ dopamine tăng cao quá mức (chẳng hạn khi một người quá say mê game), nó có thể làm giảm hoạt động của các tế bào não ở khu vực này, dẫn tới hiện tượng vùng não kiểm soát thái độ cư xử của con người ngừng hoạt động. Điều đó lý giải cho thái độ cư xử bất thường ở những đứa trẻ thường xuyên chơi game và bị tác động bởi game. Stress vì công nghệ cao Giáo sư Greenfield cũng đưa ra một số vấn đề đáng quan tâm khác đối với giới trẻ trong thời đại công nghệ. Đó là những căn bệnh liên quan đến thần kinh của con người. Bà khẳng định việc sử dụng internet hay các loại thiết bị công nghệ cao chính là nguyên nhân làm gia tăng stress. Đơn giản nhất như khi gặp sự cố trong việc chơi game, hoặc truy cập internet cũng có thể khiến cho thần kinh bị căng thẳng, dễ dẫn đến nổi cáu, và nếu xảy ra thường xuyên có thể sẽ gây ra vấn đề nghiêm trọng hơn đó là sự khủng hoảng tinh thần. Đó là chưa kể đến tác hại từ việc sử dụng quá nhiều thiết bị điện tử. Với những tia bức xạ mà mắt thường không thể nhận biết, công nghệ điện tử đang đe doạ trực tiếp đến sức khoẻ của thế hệ trẻ - những người đang tiếp cận nhiều hơn với chúng. Tình trạng thanh niên “nghiện game”, “nghiện internet”… và lạm dụng Internet cho những hoạt động với mục đích xấu ngày một gia tăng. Tại một số quốc gia có trình độ công nghệ phát triển cao như: Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc… loại tội phạm “tuổi teen” thời công nghệ cao đã phát triển tới mức đáng lo ngại. Hay như tại nhiều quốc gia khác, vấn nạn trẻ em sử dụng máy tính để truy cập vào những trang web thiếu lành mạnh khiến cho không ít bậc phụ huynh phải lo sợ. Nó đang báo hiệu về nguy cơ của một cuộc suy thoái về phẩm chất, đạo đức trong lối sống của giới trẻ ngày nay. Theo VnExpress |