Phim hoạt hình Việt - xem mà lo Phim hoạt hình được coi như món ăn tinh thần không thể thiếu của trẻ em. Tại nhiều quốc gia phát triển trên thế giới, phim hoạt hình không chỉ đáp ứng nhu cầu cho trẻ em mà với công nghệ sản xuất hiện đại nó còn thu hút cả người lớn. ở Việt Nam, phim hoạt hình dù có lịch sử hình thành và phát triển hơn 40 năm song bức tranh toàn cảnh về phim hoạt hình còn khá hạn chế về cả nội dung lẫn hình thức. Tìm một cú hích giúp phim hoạt hình VN phát triển không dễ bởi thực tế cho thấy, hiện nay đối tượng mà các nhà làm phim Việt đang hướng tới vẫn là người lớn. Thực trạng buồn Phải thẳng thắn thừa nhận rằng trong những năm gần đây phim hoạt hình VN đã có những bước chuyển biến tích cực về nhiều mặt. Tuy vậy nó vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhu cầu của người xem cả về số lượng và chất lượng. Xét về mặt nội dung hình thức, phim hoạt hình VN còn đơn điệu. Nội dung chủ yếu xoay quanh và dựa vào các truyện cổ tích, truyện lịch sử và mang đậm tính chất giáo dục. Hình thức để truyền tải nội dung khô cứng, thiếu hài hước, tính giải trí cũng bị xem nhẹ. Nội dung các bộ phim chủ yếu lấy theo các tích lịch sử, cổ tích – mà những câu chuyện đó các em đã được học, đọc qua sách truyện, nghe kể nên ít nhiều nội dung phim thiếu sự hấp dẫn mới mẻ. Bên cạnh đó, mảng đề tài hiện đại với nội dung vui nhộn, hài hước để kích thích sự thông minh, nhanh nhẹn... giúp trẻ giải trí một cách thuần tuý nhất dường như vẫn để ngỏ, nếu có thì còn quá ít.... Một điều đang lưu tâm nữa là sự kiện, kịch tính trong phim hoạt hình VN chưa được khai thác và đẩy lên đến mức tối đa (các yếu tố hấp dẫn này thường chỉ tìm thấy qua một số bộ phim hoạt hình nước ngoài như: Hãy đợi đấy -Nga, Tom and Jery -Mỹ). Cùng đó, mỗi bộ phim hoạt hình Việt Nam thường có dung lượng ngắn, chỉ gói gọn trong khoảng thời gian 10- 20 phút thế nên muốn truyền tải nhiều hơn về thông tin cũng rất khó. Các bộ phim hoạt hình đa phần sản xuất ra để phục vụ đối tượng trẻ em, còn đối tượng người lớn và các tầng lớp khác trong xã hội vẫn bị bỏ ngỏ, chưa được chú trọng thích đáng. Không chỉ bị bó hẹp trong khâu kinh phí, thời lượng... mà người làm phim hoạt hình cũng hết sức trăn trở trước việc khai thác ra sao cho hiệu quả từ vốn cổ tích, lịch sử, hiện đại... Bởi ai cũng biết rằng, nếu làm phim chỉ nhằm vào yêu cầu, thị hiếu và “khều” tiền từ túi trẻ thì không khó song như vậy rất dễ làm hỏng thị hiếu của một thế hệ. Phương pháp làm phim hoạt hình của VN hiện nay đã áp dụng khá nhiều công nghệ, kỹ xảo hiện đại song trước đó, chúng ta chủ yếu vẫn sản xuất phim hoạt hình trên phương pháp thủ công (hoạt hoạ, cắt giấy, bút bê), mất nhiều thời gian và công sức. Ví dụ như phim hoạt hoạ mỗi năm chỉ có thể sản xuất được 1 phim còn áp dụng theo kiểu sản xuất hiện đại sử dụng vi tính thì số lượng phim gấp rất nhiều lần. Không chỉ yếu về nội dung, phim hoạt hình VN còn thiếu về số lượng. Hàng năm nhu cầu số lượng phim để chiếu luôn gấp hàng trăm lần con số làm ra. Trong khi phim hoạt hình VN vừa thiếu vừa yếu, thì khán giả lại được xem tràn lan nhiều bộ phim hoạt hình của nước ngoài ngắn tập có, dài tập có, phong phú về nội dung, hiện đại trong cách sản xuất... Điều này dẫn đến một thực tế tất yếu, khán giả VN quan tâm, biết đến hoạt hình nước ngoài nhiều hơn các bộ phim trong nước sản xuất. Và các bộ phim hoạt hình VN đang tự đánh mất khán giả ngay trên sân nhà và buộc phải chấp nhận thực tế này dẫu không hề muốn. Phim hoạt hình VN vực dậy có dễ? Từ trước đến nay chúng ta dường như vẫn chỉ sản xuất phim hoạt hình theo phương thức nhà nước đặt hàng, nhà nước đầu tư kinh phí. Trong khi đó chi phí sản xuất mỗi bộ phim hoạt hình không hề ít, tối thiểu là 100 triệu/ 1 bộ phim, mỗi kịch bản phim thấp nhất cũng vào 4 triệu. Bởi vậy sự đầu tư chưa thể đáp ứng hết khả năng sản xuất thực tế của hãng phim hoạt hình. Vậy là ngành sản xuất phim hoạt hình VN vô hình trung vẫn vận hành theo cơ chế thời bao cấp. Xã hội hoá trong sản xuất phim hoạt hình cũng gặp nhiều khó khăn. Các tổ chức, cá nhân có vốn thường chỉ đầu tư sản xuất những bộ phim cho người lớn vì dễ thu về lợi nhuận. Còn phim hoạt hình cho thiếu nhi không có yếu tố quảng cáo hay thương mại trong phim việc thu hồi vốn đã là khó khăn chứ chưa nói đến lợi nhuận. Khâu phát hành phim chưa có hiệu quả bởi nó chưa gắn liền với mục đích thiết thân của đơn vị sản xuất, phim làm ra đã có sự đặt hàng nên cũng chẳng phải lo đến sự lỗ lãi. Không chỉ thế, các cụm rạp chiếu phim chỉ chiếu phục vụ đối tượng là người lớn còn các bộ phim hoạt hình trẻ em khó mà chen chân ra rạp. Và khi khâu phát hành chưa được quan tâm thích đáng thì những bộ phim hoạt hình VN vẫn chỉ dừng lại ở mức chiếu phục vụ đã là hoàn thành sứ mạng. Còn việc kinh doanh có hiệu quả vẫn chỉ là một điều mơ ước của các nhà làm phim hoạt hình. Bản quyền đối với các bộ phim hoạt hình cũng là điều nan giải cho đơn vị sản xuất. Chi phí cho một vụ kiện tụng phạt vi phạm bản quyền có khi còn nhiều hơn so với số tiền phạt, thế nên các đơn vị sản xuất có biết cũng chẳng buồn kiện tụng. Cuối cùng, khâu nan giải và khó khăn lớn nhất của hoạt hình VN từ bao lâu nay vẫn là kịch bản. Chúng ta đang thiếu một đội ngũ cộng tác viên viết kịch bản am hiểu và chuyên nghiệp. Khi những cây bút lão làng trong phim hoạt hình VN như: Tô Hoài, Hà ân, Phạm Hổ... đã gác bút thì những cây bút mới lại chưa đủ kinh nghiệm, tầm vóc để làm những phim lịch sử, hay hiện đại... Sẽ khó có được một bộ phim hoạt hình hay nếu không có một đội ngũ viết kịch lành nghề có tư duy sáng tạo, ấy là chưa kể đến công nghệ làm phim của chúng ta hiện nay vẫn ở mức thô sơ so với nền điện ảnh hoạt hình trong khu vực và trên thế giới. Trong một vài năm trở lại đây khán giả đã được xem một số phim hoạt hình có nội dung, chất lượng tốt của hãng phim hoat hình VN như: Xe đạp, Chú gà cánh tiên, Con sâu... nhưng đây vẫn chỉ là số ít. Trẻ em Việt Nam vẫn chờ đợi nhiều hơn nữa những bộ phim hoạt hình VN phong phú đa dạng về nội dung, mới mẻ trong cách thể hiện. Tuy vậy để làm được điều này không phải dễ thậm chí nếu tìm ra những giải pháp tối ưu rất có thể phim hoạt hình VN tiếp tục chìm trong giấc ngủ dài. Linh Anh
Theo Giáo dục và Thời đại
|