Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Sữa cho trẻ: Đắt chưa chắc đã tốt


Sữa bột dành cho trẻ em đặc biệt là sữa ngoại (hàng xách tay) là một trong những mặt hàng tăng giá nhanh nhất và nhiều nhất ngay sau hiệu ứng tăng giá xăng dầu. Tuy nhiên, theo các chuyên gia y tế, sữa đắt tiền chưa chắc đã là tốt nhất.

Méo mặt vì sữa tăng giá
Chị Đỗ Lan Phương, (phố Cầu Đất, Hải Phòng) than thở: Trước đây, mỗi tuần con trai chị uống hết một hộp sữa Pediasure 900g, giá 285.000đ, nay loại này đã tăng lên 338.000đ/hộp. Quá xót tiền, chị chuyển sang loại sữa khác cho con với giá rẻ bằng 1/3 loại đang sử dụng, thì bị bạn bè chê bai: “Thằng cu đang còi cọc, cho uống sữa này làm sao lớn được?”. Nghe vậy, chị Phương cắn răng mua loại sữa cũ.

Chị Nguyễn Tuyết Mai (ngõ 173 Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) cũng méo mặt mỗi khi trả tiền sữa cho con. Loại sữa con chị hay uống là sữa S26. Đây là sản phẩm nghe nói có xuất xứ từ Hà Lan, được bán trôi nổi ngoài thị trường với lời giới thiệu là hàng xách tay.

Sai lầm của một số ông bố, bà mẹ hiện nay khi mua sữa cho con cứ tưởng đắt là tốt

Trước khi mặt hàng sữa đồng loạt tăng giá, dòng sữa này đã đắt gấp 3 lần so với sản phẩm cùng loại do các công ty sữa trong nước sản xuất. Tuy nhiên, hơn một tuần nay, loại sữa này đột ngột tăng từ 390.000 lên 450.000đ/1hộp 900g số 1 (cho trẻ dưới 6 tháng tuổi). Nếu S26 có tem xanh dưới đáy hộp thì giá sẽ cao hơn 30.000đ so với hộp không có tem xanh. Như vậy, với mỗi tuần một hộp sữa, con chị Mai đã “uống hết” gần 2 triệu/tháng.

Chị Nguyễn Minh Huyền (ngõ 209, Đội Cấn, Hà Nội) lại khác. Chị chọn mua loại sữa ngoài việc bổ dưỡng, còn được quảng cáo “có thêm chức năng dành cho trẻ biếng ăn, chậm tăng cân”. Loại sữa này có nguồn gốc từ Pháp, trước được bán 520.000 đồng/hộp, nay đẩy lên 600.000đ/hộp 900g cho trẻ từ dưới 12 tháng tuổi.

Khảo sát của phóng viên (PV) cho thấy, thị trường sữa bột dành cho trẻ em chỉ duy nhất sữa Dielac của Công ty sữa Vinamilk không tăng giá, còn lại hầu hết đều tăng giá từ 5-10%. Trong đó, dòng sữa ngoại xách tay là mặt hàng tăng giá nhiều nhất: từ 15-20%.

Theo lời nhân viên bán hàng tại một cửa hàng sữa trên phố Hàng Buồm (Hà Nội), thì dòng sữa xách tay này lại là sản phẩm bán được nhiều nhất. Trao đổi với PV, đa số các bà mẹ đang mua sữa tại cửa hàng đều thú nhận, mặc dù đang méo mặt vì sữa tăng giá nhưng vì không muốn con bị thua thiệt, nên phải thắt lưng buộc bụng ở những khoản chi khác.

Không phải đắt là tốt

Nên cho trẻ uống ngay sữa mới pha
Ths. Bác sỹ dinh dưỡng Nguyễn Trọng An, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ trẻ em (Bộ LĐ,TB&XH) cho biết: Sai lầm của một số bà mẹ hiện nay khi mua sữa cho con cứ tưởng đắt là tốt, mà không biết được sự hấp thụ dinh dưỡng của từng đứa trẻ khác nhau. Tốt với trẻ này, chưa chắc đã tốt với trẻ khác.

Với dòng sữa ngoại được quảng cáo là hàng xách tay, trôi nổi trên thị trường hiện đang có mức tăng giá cao nhất, BS An khuyến cáo các bà mẹ hết sức thận trọng, vì các loại sữa này chưa được Bộ Y tế kiểm định chất lượng.

Cho dù trên một số loại sữa có đóng dấu kiểm định chất lượng của nước bạn, nhưng các bà mẹ cũng phải lưu ý vì chuẩn của nước ngoài khác với chuẩn của Việt Nam. Như lượng chì trong sữa được nước bạn cho phép, sao với tiêu chuẩn của Việt Nam lại không phù hợp.

Các chuyên gia dinh dưỡng của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cũng không khẳng định sản phẩm sữa bột nào là tốt nhất với trẻ em, vì nó còn phụ thuộc vào sự tiêu hoá, hấp thụ và khẩu vị của từng đứa trẻ. Vì vậy, loại sữa tốt nhất phải là loại phù hợp với trẻ.

Để biết được loại sữa nào hợp với con mình, BS Trọng An mách nhỏ các bậc cha mẹ ngoài việc theo dõi cân nặng hàng tháng của trẻ, nên theo dõi phân khi trẻ đại tiện. Nếu phân trẻ màu vàng, hơi xì xoẹt là trẻ phù hợp với loại sữa đang dùng, nếu phân trẻ táo, rắn thì phải đổi sữa vì không phù hợp.

Theo khuyến cáo của Viện Dinh dưỡng Quốc gia, nên cho trẻ uống ngay sữa mới pha. Sữa pha để lâu quá 2 giờ đồng hồ, hoặc sữa không uống hết phải bỏ đi, không nên tiết kiệm giữ lại để uống lần sau. Cách tốt nhất là pha sữa vào cốc và cho ăn bằng thìa, không nên dùng chai và đầu vú cao su vì chai khó rửa sạch, trẻ dễ bị tiêu chảy.

Theo Tin Tức