Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Đường đến trường còn gian nan


Năm học mới đã đến gần nhưng nhiều trẻ em ở khu vực miền núi có thể không còn được cắp sách tới trường

Cơn mưa chiều thoảng đến, đủ để phả bớt cái oi nóng ngày hè, nhưng cũng khiến nền nhà của chị Trương Thị Cam, thôn Cốc, xã Cẩm Tâm, Cẩm Thuỷ, Thanh Hoá, lõng bõng nước.

Nghèo đói, nhận thức sai đã khiến nhiều trẻ em mất đi cơ hội học tập
Căn nhà được dựng nên từ 4 khúc cây xoan đào, những nan tre và được đắp đậy thêm vài miếng ni lông, bao tải dứa. Những đứa trẻ đen nhẻm vô tư nghịch chơi ở vũng nước đọng trong nhà một cách thích thú, chỉ riêng cô bé Quách Thị Hường, 12 tuổi, ngồi thu lu trên giường. Hường đang buồn vì có thể năm nay em không còn được đi học tiếp. Hường tâm sự: “Năm học trước cháu vẫn còn nợ nhà trường 120.500 đồng tiền học phí. Nhà trường đã gửi giấy báo về cho gia đình nhưng nhà cháu cơm ăn còn chẳng được no thì bố mẹ cháu kiếm đâu ra khoản tiền lớn ấy. Năm học tới chắc cháu phải nghỉ học ở nhà trông em và đi kiếm củi giúp đỡ bố mẹ. Không được đi học nữa, cháu rất nhớ trường, nhớ lớp, nhớ thầy cô”.
Không chỉ Hường mà rất nhiều cô bé, cậu bé nghèo khác phải chấp nhận bỏ dở việc học. Hữu Kiếm Phi, học sinh lớp 7 Trường Hồ Thị Kỷ, huyện Thới Bình, tỉnh Tây Ninh, rất có thể mấy tháng nữa khi giới thiệu về mình em sẽ chẳng dám mang trường lớp ra khoe, bởi Phi sẽ phải nghỉ học để đi làm tôm sú giúp mẹ. Nhà Phi có 5 anh em, nhỏ tuổi nhất nhưng em cũng là thành viên được học nhiều nhất, mà “nhiều cũng chỉ dừng lại ở lớp 7 mà thôi. Chẳng phải Phi học kém, cậu cũng là học sinh khá, giỏi của trường, được làm sao đỏ của lớp nhưng vì nhà làm nghề biển cần con trai rắn rỏi giúp mẹ.

Nghèo đói có thể nói là yếu tố chính khiến học sinh bỏ học, không được đến trường. Nhưng đây không phải là yếu tố bất khả kháng mà chính nhận thức mới là nguyên nhân khiến trẻ em mất đi cơ hội được đi học. Đã có rất nhiều tấm gương các em học sinh vượt khó học giỏi, các gia đình nghèo mà hiếu học. Nhận thức được tương lai bắt đầu từ tri thức, nhiều gia đình đã tạo mọi điều kiện cho con em mình được học hành, dẫu còn thiếu thốn đủ đường.

Chị Trần Hồng Cúc, xã Bình Hoà Phước, Long Hoà, Vĩnh Long, 20 năm trời vất vả nuôi con ăn học, tâm sự: “Nghĩ lại hồi cả hai đứa bước vào đại học thật cực khổ trăm bề. Hai vợ chồng lăn lộn làm việc mà vẫn không đủ tiền chu cấp cho con, phải vay mượn cả ngân hàng. Nhiều đêm nằm nghĩ, hay là cho một đứa nghỉ học nhưng lại thấy tội tụi nhỏ, hai vợ chồng lại cố. Thời gian cực khổ đó, quần áo mặc trên người tôi cũng chẳng để ý lành hay rách mà dồn cả tâm cả lực lo cho con”. Chị Hoàng Thị Phải, ở xã Bình Long, huyện Hoà An, tỉnh Cao Bằng cũng rất vất vả khi phải nuôi 2 con đang tuổi đến trường. Chị tâm sự: “Đời mình đã vất vả rồi, phải cố gắng cho con đi học mong cuộc đời nó sau này sáng sủa hơn.”

Để học sinh là con em hộ nghèo được đi học, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ. Theo Quyết định 112/2007/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ký ngày 20/7/2007, học sinh mẫu giáo từ 3-6 tuổi con hộ nghèo được hỗ trợ 70.000 đồng/tháng; học sinh bán trú con hộ nghèo đang theo học tại các trường tiểu học, THCS và THPT là 140.000 đồng/tháng, thời gian được hưởng theo thực tế thời gian học là không quá 9 tháng. Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố - tuỳ theo nguồn lực - cũng đã có kế hoạch hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Như UBND tỉnh Hậu Giang thực hiện Chính sách hỗ trợ học sinh con em hộ nghèo thuộc Chương trình 135 giai đoạn II trên địa bàn tỉnh với tổng số 1.600 em là 1,9 tỉ đồng. Nhiều tỉnh còn hỗ trợ các địa phương kiên cố hoá trường lớp học, vận động học sinh đến lớp, nâng cao chất lượng giáo dục bậc tiểu học...

Hiện nay, do giá vật tư, nguyên liệu đầu vào tăng nên Nhà xuất bản Giáo dục đã chủ trương tăng giá SGK in năm 2008 lên khoảng 10% so với giá sách những năm trước. Để hỗ trợ cho học sinh ở các vùng khó khăn, học sinh là con em các gia đình chính sách, gia đình nghèo, Chính phủ chỉ đạo và yêu cầu Bộ GD-ĐT thực hiện nghiêm túc chủ trương hỗ trợ: Cấp SGK không thu tiền cho học sinh ở địa bàn đặc biệt khó khăn, học sinh là con liệt sĩ, con thương binh; giảm giá bán SGK cho học sinh là con em các gia đình nghèo để đảm bảo giá bán SGK năm học 2008-2009 không cao hơn năm học trước. Đồng thời, phát động phong trào quyên góp, tặng, thu mua SGK cũ, củng cố hệ thống tủ SGK dùng chung trong thư viện trường học để học sinh mượn hoặc thuê SGK cũ, góp phần tiết kiệm cho xã hội, đảm bảo vào năm học mới, tất cả học sinh thuộc diện chính sách, khó khăn đều có SGK để học tập; không để xảy ra tình trạng học sinh không thể đến trường do thiếu SGK./.

Theo vovnews.vn