Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Sắt & Acid Folic còn rất cần cho các bà mẹ!


Thiếu máu thiếu sắt cũng như thiếu máu thiếu acid folic ảnh hưởng đáng kể đến tỷ lệ tử vong và nguy cơ mắc bệnh ở hầu hết phụ nữ tuổi sinh sản, phụ nữ mang thai và thai nhi. Ở phụ nữ không mang thai, thiếu máu gây ra sự mệt mỏi thường xuyên, giảm hoạt động thể lực, giảm khả năng tập trung, giảm trí nhớ… do đó làm giảm năng suất học tập và lao động hàng ngày. Ở thai phụ, thiếu máu thiếu sắt và thiếu acid folic làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, tăng nguy cơ mất máu nhiều trong lúc sanh và sau sanh, cũng như tăng nguy cơ suy tim trong thai kỳ nếu thiếu máu diễn tiến nặng; cạnh đó, thai nhi có thể bị các ảnh hưởng như bị sẩy thai sớm, chậm phát triển bào thai, bé sanh non tháng… Thiếu hụt sắt và acid folic là một vấn đề phổ biến của phụ nữ. Khi có thai, do có sự gia tăng thể tích tử cung để chứa thai, kéo theo toàn bộ sự tăng thể tích máu (trong đó có hồng cầu và huyết cầu) nhằm tăng sự cung cấp năng lượng nuôi thai nên mức độ dự trữ sắt có sẵn trong cơ thể không thể nào đáp ứng đủ nhu cầu này. Bên cạnh đó, những phụ nữ mang thai đa thai, mang thai nhiều lần với khoảng cách giữa các lần mang thai giảm dần hoặc có tiền căn thiếu máu ở lần có thai lần trước sẽ bị thiếu hụt sắt và acid folic. Cũng tương tự, những phụ nữ không mang thai, trong nhóm tuổi sinh sản khi ăn kiêng quá mức, ra huyết kéo dài hoặc ra huyết nhiều khi có kinh… đều có thể bị thiếu máu thiếu sắt và thiếu máu thiếu acid folic. Những phụ nữ này, nhất là những thai phụ cần đến ngay các cơ sở y tế để được phòng ngừa thiếu máu bằng cách uống 1 viên sắt folate (60mg sắt nguyên tố + 500 microgram folate) mỗi ngày và được chẩn đoán sớm thiếu máu nhờ thử máu định lượng nồng độ Hemoglobin (Hb) - một tiền chất tạo hồng cầu. Ngay cả khi giá trị Hb bình thường 8 - 12g/dL cũng nên dùng 1 viên sắt folate dự phòng mỗi ngày vì đây là liều thuốc dự phòng thiếu máu có sẵn, hiệu quả cao, dễ sử dụng và ít tác dụng phụ nhất nên khá an toàn cho người sử dụng. Còn khi nồng độ Hb < 11g/dL, đây là tiêu chuẩn chẩn đoán thiếu máu trong thai kỳ (theo Tổ chức Y tế thế giới), các sản phụ này cần được dùng chế độ sắt điều trị liều cao hơn bằng đường tiêm truyền để giảm thiểu tác dụng phụ (nôn ói, táo bón…) do uống sắt liều cao gây ra. Đừng để quá muộn! Phòng ngừa thiếu máu thiếu sắt và thiếu máu thiếu acid folic được xem là mối quan tâm hàng đầu của chương trình chăm sóc sức khoẻ sinh sản hiện nay. Qua các nghiên cứu so sánh về tần suất thiếu máu tại các nước đã phát triển là 15%, với các nước đang phát triển là 56%, cũng như qua điều tra ghi nhận tỷ lệ thiếu máu trong thai kỳ tại Việt Nam là 28% - 53% càng khẳng định thêm đây là một vấn đề quan trọng không thể bỏ qua. Tất cả những phụ nữ trong nhóm tuổi sinh sản không mang thai và những thai phụ cần lưu tâm đến các yếu tố nguy cơ thúc đẩy thiếu máu thiếu sắt và thiếu acid folic như ra huyết kéo dài hoặc ra huyết nhiều khi có kinh, ăn uống thiếu dinh dưỡng, có tiền căn thiếu máu thiếu sắt ở thai kỳ lần trước, phụ nữ mang thai nhiều lần và khoảng cách giữa các lần mang thai gần nhau, hoặc mang thai đa thai… Những phụ nữ này ngoài việc thực hiện chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng cần nên đến các cơ sở y tế để được bổ sung viên sắt folate bao gồm 60mg sắt nguyên tố và 500 microgram folate mỗi ngày (nghĩa là uống 1 viên sắt folate mỗi ngày) để dự phòng thiếu máu. Đây là liều dự phòng có sẵn ở các cơ sở y tế, dễ sử dụng, ít tác dụng phụ và đem lại an toàn, thoải mái cho người sử dụng. Thiếu máu thiếu sắt và thiếu máu thiếu acid folic có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng như tăng nguy cơ nhiễm trùng, mất máu trong lúc sanh và sau sanh, sẩy thai, chậm phát triển bào thai, bé sanh non tháng ở phụ nữ mang thai, hay mệt mỏi, giảm tập trung học tập và làm việc ở phụ nữ không mang thai, cho nên việc phòng ngừa thiếu máu là điều vô cùng quan trọng. Dự phòng thiếu máu không khó: phụ nữ tuổi sinh sản và thai phụ chỉ cần uống 1 viên sắt folate mỗi ngày là đã đủ cung cấp nhu cầu sắt và acid folic cho cơ thể, giúp phòng ngừa thiếu máu thiếu sắt và thiếu máu thiếu acid folic. Do những ảnh hưởng lớn của thiếu máu thiếu sắt và thiếu acid folic nói trên, việc phòng ngừa và điều trị sớm thiếu máu thiếu sắt và thiếu acid folic là điều vô cùng quan trọng trong chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản nói chung. Hiện nay có rất nhiều loại thuốc bổ máu chứa sắt và acid folic. Việc sử dụng cũng đơn giản và kinh tế. Có thể dùng Ferrovit chẳng hạn. Các loại này là thuốc bổ máu có chứa sắt và acid folic hiệu quả trong việc phòng ngừa thiếu máu thiếu sắt và các dị tật ống thần kinh ở thai nhi. Mục tiêu của chương trình chăm sóc sức khỏe sinh sản là cho ra đời một trẻ sơ sinh khỏe mạnh, như vậy cần phải có một phụ nữ khỏe mạnh, một người mẹ khỏe mạnh. Việc phòng ngừa thiếu máu thiếu sắt và thiếu máu thiếu acid folic cho tất cả phụ nữ không nằm ngoài mục tiêu này, góp phần xây dựng một cộng đồng khỏe mạnh trong xã hội hiện nay. BS. ThS TỐ MAI XUÂN HỒNG (BV Nhân dân Gia Định, Sài Gòn Giải Phóng)