Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Trẻ mắc bệnh suy dinh dưỡng phù do sữa trôi nổi


Một em bé "sổ sữa" nhưng suy dinh dưỡng - Ảnh: T.Lũy
Suy dinh dưỡng phù là thể suy dinh dưỡng nặng khó hồi phục nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Gần đây, tại phòng khám Bệnh viện Nhi Đồng Cần Thơ ghi nhận khá nhiều trẻ em dưới 6 tháng tuổi, bề ngoài rất tròn trĩnh, thậm chí mặt và tay chân to được người nhà đưa đến khám.

Chúng tôi xác định đây là trẻ bị suy dinh dưỡng thể phù Kwashiorkor. Hầu hết trường hợp này đều được nhập viện để theo dõi điều trị. Ghi nhận ban đầu cho thấy các trường hợp phát hiện đều liên quan đến việc sử dụng những sản phẩm sữa bột không rõ nguồn gốc trên thị trường, kết hợp với việc cho trẻ ăn giặm sớm không phù hợp với lứa tuổi.

Khảo sát bốn trường hợp nặng điều trị tại bệnh viện cho thấy cả bốn bé đều từ các gia đình ở nông thôn, không bú sữa mẹ hoặc thôi bú từ lúc 3 tháng tuổi. Các bé được gia đình cho bú sữa bột và ăn giặm bột, cháo từ lúc 3 tháng tuổi. Trong quá trình điều trị đã có trẻ tử vong do viêm phổi nặng.

Kwashiorkor là tình trạng suy dinh dưỡng nặng do chế độ nuôi dưỡng không cân bằng về các chất: thừa chất đường (glucid), thiếu chất béo (lipid), đặc biệt là thiếu đạm (protid). Nguyên nhân chủ yếu do trẻ không được nuôi bằng sữa mẹ, thức ăn nuôi trẻ chỉ toàn chất bột. Đặc điểm lâm sàng của Kwashiorkor là tình trạng phù trắng (phù mềm, ấn lõm) ở mặt và hai chi dưới. Triệu chứng này khó phát hiện do bà mẹ tưởng con mình sổ sữa vì theo dõi cân nặng không giảm mà có thể tăng. Ngoài ra trẻ bị Kwashiorkor còn có biểu hiện rối loạn sắc tố da (thường gặp tại các nếp gấp).

Tình trạng thiếu dinh dưỡng thể này nếu để kéo dài còn ảnh hưởng các cơ quan khác như: xương, ruột, tụy, não. Đặc biệt có thể gây tổn thương tim, trẻ dễ bị suy tim đột ngột do thiếu đạm, thiếu máu, thiếu vitamin B1; tổn thương gan - gây thoái hóa mỡ tại gan nếu nặng có thể gây tử vong do suy gan.

Suy dinh dưỡng phù là thể suy dinh dưỡng nặng khó hồi phục nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Để phòng ngừa, các bà mẹ lưu ý cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và cho ăn giặm với thành phần phù hợp từng giai đoạn phát triển của trẻ, không cho trẻ ăn giặm quá sớm.

Ths.Bs LÂM XUÂN THỤC QUYÊN (BV Nhi Đồng Cần Thơ)
Theo KTDT