Website Giáo dục mầm non - www.mamnon.com
  

Những đứa trẻ xóm Lò Gạch


Đêm sâu hun hút. Những đứa trẻ nhem nhuốc, đi chân trần, đầu không nón, lưng còng xuống vì cõng bao đựng ve chai to hơn thân thể ốm từ từ đi vào trong hẻm tối, kết thúc một ngày mưu sinh... Chúng là cư dân nhỏ tuổi của xóm Lò Gạch.

Lục từng bao rác hy vọng tìm được chút gì...
Từ làng đại học Thủ Đức (TPHCM), tôi hỏi đường về xóm Lò Gạch, ông Tiến, trưởng ấp Tân Lập, chỉ tay về phía Hồ Đá, nơi có gần 50 đứa trẻ của 41 hộ dân thuộc tổ 11, ấp Tân Lập và nhiều hộ dân khác quanh khu vực hồ đá, xã Đông Hòa, huyện Dĩ An, tỉnh Bình Dương đang sinh sống.

Lớn lên nhờ rác
Dưới cái nắng gay gắt của buổi trưa tháng 7, cu Phi (12 tuổi, con của anh chị Doanh Út) với mái tóc vàng hoe khét nắng, mồ hôi nhễ nhại vẫn điềm nhiên ngồi trước sân nhà phân loại ve chai vừa nhặt được để bán. Mỗi buổi sáng, khi bạn đồng trang lứa cắp sách đến trường, Phi và những đứa trẻ xóm Lò Gạch lại vác trên vai những chiếc bao đến trước cổng từng gia đình có rác nhưng chưa được thu gom hoặc các công trình, lục kỹ từng bao rác hy vọng tìm được chút gì đó từ những thứ người ta bỏ đi. “Em gom lại khoảng 2, 3 ngày bán một lần, cũng được 30.000- 40.000 đồng đưa mẹ mua gạo”. Vừa lục bao rác, Bạch (7 tuổi) vừa kể khi tôi lò dò theo nó suốt một quãng đường dài.

Trong một con hẻm khác, Đẩu (15 tuổi) lưng trần, mặc chiếc quần đùi sờn cũ, chân không dép, trên vai quẩy chiếc bao rác khá nặng, vừa nhấn chân đạp một cách khó khăn chiếc xe đạp cà tàng xin được vừa huýt sáo một bản nhạc, trông rất yêu đời.

Đẩu cho biết đoạn đường mà Đẩu và những đứa trẻ trong xóm thường lang thang, lui tới là các bãi rác quanh làng đại học, lên ngã tư Thủ Đức, qua cầu vượt Linh Xuân và vòng về đến nhà lúc trời đã tối mịt. Hỏi Đẩu mơ ước gì, em bảo: “Em từng mong có chiếc xe đạp để đi nhanh hơn, nhặt được nhiều rác hơn, có được tiền nhiều hơn. Giờ đã có xe, dù cọc cạch nhưng vẫn còn chạy được. Em chẳng mơ ước gì nữa”.

Còn những đứa trẻ khác của xóm mà tôi có dịp gặp thì: “Em muốn thành siêu nhân cá mập”, “Em muốn làm cảnh sát”, “Em muốn làm công nhân”... Những ước mơ mà bất kỳ đứa trẻ nào cũng từng mơ ước, nhưng với các em xóm Lò Gạch, đường đến ước mơ đôi khi quá xa vời, bởi cho đến tận hôm nay, các em chỉ là những cư dân tạm trú của xóm không có bất kỳ giấy tờ gì, kể cả tấm giấy khai sinh.

Những cư dân “vô thừa nhận”
Từ các tỉnh miền Tây, cư dân xóm Lò Gạch tay trắng, lên TPHCM tìm kế sinh nhai và trụ lại nơi đây. Họ làm đủ thứ nghề, từ thợ hồ, đập đá đến làm mướn, làm thuê nhưng công việc không ổn định, ăn bữa trước thiếu bữa sau nên từ khi còn rất bé, những đứa trẻ của xóm đã buộc phải kiếm sống bằng nghề nhặt rác để phụ giúp cha mẹ. Sớm đi, tối về, cuộc sống chỉ quẩn quanh với việc ăn- ngủ- nhặt rác, những đứa trẻ cứ hồn nhiên lớn lên với những tên gọi rất quen thuộc, phổ biến và dễ nhớ như cu Tèo, cu Tí..., chẳng cần biết năm sinh, nơi sinh, họ tên gì.

Điều đó cũng đồng nghĩa với việc không có giấy khai sinh. Nói về chuyện này, anh Doanh Út (có ba đứa con sinh ra ở xóm Lò Gạch) kể: “Tôi cũng muốn làm khai sinh cho tụi nhỏ, ngặt là phải về miền Tây, nơi có hộ khẩu thường trú. Hồi sinh đứa đầu, tôi cũng về quê làm khai sinh cho con, nhưng chờ lâu quá, đành phải trở lên. Cuộc sống khó khăn, vậy là quên luôn”. Không chỉ ba đứa con anh Doanh Út mà cu Tèo, cu Tí (con của chị Dương Chinh) năm nay đã gần 5-6 tuổi, Thi (con của chị Nga) 14 tuổi, hay Tiểu Vân gần 10 tuổi... cũng không giấy khai sinh, không hộ khẩu.

Hệ lụy của việc này là gần 50 đứa trẻ ở độ tuổi từ 5 đến 15 không được đến trường. Khi được hỏi về việc học và làm giấy khai sinh cho trẻ em xóm Lò Gạch, ông Đinh Văn Hoàng, Chủ tịch UBND xã Đông Hòa, nói chung chung: “Do từ trước đến nay, các hộ dân ở đây từ các tỉnh miền Tây lên dựng lều sống tạm bợ nên cũng chưa được quan tâm đúng mức. Thực ra, xã đã từng khuyến khích họ cho con tham gia lớp học tình thương nhưng vì cuộc sống khó khăn, phải lo cái ăn, cái mặc hằng ngày, cuối cùng họ chấp nhận để con mù chữ. Chuyện giấy khai sinh, xã không thể giải quyết mà phải về nơi đăng ký hộ khẩu thường trú để làm”. Còn theo ông Nguyễn Hồng Tân, Phó trưởng Công an xã Đông Hòa: “Từ khi thực hiện dự án đền bù giải tỏa ở khu vực này, 41 hộ dân xóm Lò Gạch thuộc Đại học Quốc gia quản lý, xã không có trách nhiệm”. Vậy là, dù sự tồn tại của 41 hộ dân ở xóm Lò Gạch là có thật nhưng họ cũng chỉ là những cư dân “vô thừa nhận” và cuối cùng những đứa trẻ gánh chịu thiệt thòi.

Theo Tin Tức